100 trạm thu phí sẽ được lập tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ

Thêm 1 lần nữa Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đề xuất với chính quyền thành phố phương án thu phí nội thành. Khác biệt so với trước, số trạm thu phí vào nội đô sẽ tăng lên con số 100, thay vì 87 trạm so với đệ trình trước đây. Và theo tính toán, lượng ô tô vào khu vực trung tâm giảm khoảng 20%.

Theo đề án, 100 trạm thu phí này sẽ được lập tại các tuyến đường hướng tâm, các cửa ngõ… với khu vực được xác định để lập trạm là từ đường vành đai 3 trở vào.

Vẽ trên bản đồ, 100 trạm này sẽ lập thành một “vành đai”: Cầu Thanh Trì- Pháp Vân- Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long- Võ Chí Công- Cầu Nhật Tân- Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3.

Theo TS Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải, sự điều chỉnh cổng thu phí nhằm khép kín vành đai, không tạo ra khoảng trống, những lối đi mà các phương tiện có thể né tránh trạm thu phí.

TS Vũ Anh Tuấn cũng cho rằng: ô tô cá nhân chiếm dụng không gian lưu thông lớn hơn các phương tiện khác. Việc thu phí vào nội đô với phương tiện này để giảm ùn tắc là việc cần thiết tuy nhiên câu hỏi đặt ra là người dân sẽ sử dụng loại hình vận tải nào để thay thế, đáp ứng nhu cầu đi lại?

Nếu thu phí là điều kiện cần để giảm ôtô cá nhân, tránh ùn tắc, thì điều kiện đủ phải là hệ thống giao thông công cộng và đường sắt đô thị đảm bảo được nhu cầu đi lại thuận tiện của đa số người dân – quan điểm của TS Vũ Anh Tuấn.

Nhưng thực tế trong khoảng 10 năm trở lại đây năng lực của hệ thống này gần như không có sự tăng trưởng. Thành phố Hà Nội hiện mới có đúng 1 tuyến đường sắt đô thị, còn chưa đủ các kết nối với các phương tiện khác. Xe buýt, bù lỗ triền miên vẫn lỗ khủng, vẫn đòi trả tuyến... vì quá bất tiện, vì chưa thu hút nổi người dân.

Hệ thống buýt nhanh BRT, vừa “bị” Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá là “không hiệu quả”. Nếu như không nói là phản tác dụng.

Để thực hiện được đề án thu phí nội đô, với mật độ dân cư cùng hệ thống giao thông như hiện nay Hà Nội cần tính đến những vấn đề gì?

Theo quy hoạch đến năm 2020, thành phố Hà Nội đã phải có 4 tuyến metro đi vào hoạt động và đến 2030, chúng ta cơ bản cơ bản hoàn thành một mạng lưới đường sắt đô thị có thể kết nối những khu vực quan trọng nhất. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay mới chỉ có duy nhất 1 tuyến Cát Linh – Hà Đông và tỷ trọng của tuyến đường này trên tổng số chuyến đi của Hà Nội hiện nay là không đáng kể.

“Đề án này muốn thành công được, song song với nó phải xây dựng được một hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là đường sắt đô thị phải được đẩy nhanh lên. Khi Hà Nội có được 6-8 tuyến metro, lúc đó chúng ta mới có cơ sở để triển khai và đưa bài toán này vào, bài toán hỗ trợ hạn chế sử dụng xe cá nhân. Cơ bản nhất vẫn là phải có hệ thống giao thông công cộng, nếu chỉ thực hiện riêng đề án này thì đóng góp vào việc giảm ùn tắc giao thông là không đáng kể” – TS Vũ Anh Tuấn bày tỏ.

Ngoài hệ thống giao thông công cộng, thì về lâu dài những giải pháp về quản lý đô thị cũng là cần thiết để giải bài toán ùn tắc ở nội đô của Hà Nội hiện nay.

Quy hoạch giao thông các giải pháp giao thông gắn liền với phát triển đô thị là những bài toán mà tất cả các quốc gia phát triển, những thành phố hiện đại đều phải tính đến trong lộ trình phát triển.

Ý thức của người tham gia giao thông cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong đảm bảo trật tự lưu thông và phát huy tối ưu năng lực của cơ sở hạ tầng.

Ông Tuấn lấy ví dụ: trong một dòng tham gia giao thông rất đông các phương tiện chỉ cần một phương tiện đi sai luật và có những hành vi cản trở lưu thông sẽ dẫn đến tắc nghẽn ngay lập tức

“So sánh giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số thành phố khác thì cũng trên những trục đường đông đúc như vậy, nhưng nếu các phương tiện đi đúng làn quy định sẽ không tạo nên những xung đột, những “nút thắt” giảm năng lực của dòng”.

Ùn tắc giao thông gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho các thành phố lớn do lãng phí về thời gian, nhiên liệu… Theo tính toán của các đơn vị, khi triển khai thu phí, mỗi năm Hà Nội sẽ có nguồn thu ngân sách khoảng 300 tỷ đồng, cũng như tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng do lãng phí thời gian nhiên liệu.

Như vậy, nếu áp dụng thu phí vào nội đô vấn đề không chỉ là giảm kẹt xe mà còn là bài toán kinh tế khá hiệu quả cho việc phát triển của thành phố trong tương lai. Thế nhưng áp dụng như thế nào; thời điểm nào cho hợp lý; ai là người giám sát, quyết định mức phí công bằng và hợp lý. Số tiền thu được cần công khai minh bạch như thế nào? Đó là hàng loạt các câu hỏi mà người dân cần được biết trước khi chính quyền lắp đặt các trạm thu phí vào nội đô Hà Nội.