Hà Nội đối với bạn là gì? Còn những người lao động di cư thì Hà Nội được định nghĩa qua công việc.

Với một người bán hàng rong một ngày đi hàng chục cây số qua các phố phường, Hà Nội có thể là một công viên nhỏ để nghỉ chân khi mỏi gối. Còn trong mắt cậu sinh viên chạy grab phục vụ hàng nghìn người khác nhau, thì Hà Nội lại là một cụ già đôn hậu và tần tảo cấy lúa ở vùng ngoại ô mà cậu có dịp chuyện trò... Vâng, mỗi người có một góc nhìn khác nhau. Đó chính là lý do để Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch, đã kết hợp với Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE), Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (Light) và ECUE thực hiện dự án mang tên "Chụp ảnh kể chuyện" (Photo-voice).

Cuộc tọa đàm "Hà Nội qua góc nhìn của người lao động di cư" thu hút sự tham gia của gần 40 lao động di cư đến Hà Nội từ khắp các vùng miền Tổ quốc. Qua góc máy và câu chuyện của họ, Hà Nội hiện lên với tình yêu, sự thấu cảm và tôn trọng với những vất vả mưu sinh của người dân thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính và ngành nghề. Hà Nội hôm nay đã và đang được hình thành một phần do lao động và tương tác của những người lao động di cư với thành phố.

Với bà Phan Thị Liên, 61 tuổi, ở Yên Bái, làm nhân viên dọn vệ sinh chung cư, đến Hà Nội đã hơn 6 năm, cảm nhận Hà Nội là một thành phố rất tráng lệ, rất đẹp, người dân thì sống vui vẻ, hòa đồng. Theo bà Liên, Hà Nội có quá nhiều điều thú vị để níu giữ bước chân bà gắn bó với cuộc sống mưu sinh nơi đây. Bà Liên tham gia dự án với câu chuyện Mầm non vươn cao.

Còn chị Đỗ Thị Út mang tới câu chuyện Nghỉ chân bên vườn hoa, cho biết: Chị thường xuyên ngồi nghỉ ở vườn hoa Nhà Chung mỗi khi cảm thấy mệt mỏi. Góc công viên này rất nhiều cây xanh và hoa cỏ nên những lúc như thế, chị cảm thấy tâm hồn thư thái, không gian khoáng đạt, trong lành...

Mỗi câu chuyện của một người lao động di cư lại cho chúng ta thấy một khía cạnh của cuộc sống. Và có thể nói về bản chất lao động di cư không phải là đối tượng yếu thế trong xã hội, mà đại bộ phận trong số đó là những người có ý chí mạnh mẽ, luôn có khát vọng vươn lên, mong muốn và dám thay đổi. Dẫu cho đôi lúc, tại một thời điểm nào đó, ở đâu đó họ gặp phải những khó khăn, thất bại, thậm chí là bị phân biệt đối xử, không được tiếp cận các dịch vụ cuộc sống thiết yếu…

Bàn về vấn đề này, anh Lê Quang Bình - Giám đốc ECUE, Điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết: "Hiện nay người lao động di cư vẫn gặp những định kiến trong xã hội từ cách xưng hô, đối xử khá là nhiều. Điều đó khiến cho việc hòa nhập, kết nối với xã hội của họ khó hơn. Trong khi, những thu nhập phụ thuộc vào mạng lưới xã hội rất nhiều, nếu như người di cư không kết nối với mạng lưới xã hội rất quan trọng của thành phố thì sẽ khó có cơ hội phát triển. Tất cả những điều đó cho thấy cần có nghiên cứu toàn diện về lao động di cư dưới các góc nhìn khác nhau để từ đó nhận diện đầy đủ và hoạch định chính sách phù hợp với nhóm đối tượng này".