12% tổng số ca tử vong sớm ở Hà Nội do phơi nhiễm bụi PM2,5

Dựa trên số liệu của bản đồ bụi PM2,5 trung bình năm tại các quận/huyện năm 2019, Hà Nội có 2.855 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2,5, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân và chiếm 12% tổng số ca tử vong ở người dân Hà Nội trên 25 tuổi.

Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu do địa phương cung cấp để đánh giá gánh nặng bệnh tật do tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019.

Tổng số năm sống bị mất của người dân Hà Nội là 79.933 năm và kỳ vọng năm sống bị mất do phơi nhiễm với bụi PM2,5 là 908 ngày, tức giảm khoảng 2,49 tuổi.

So sánh giữa các quận/huyện, Hoàn Kiếm và Ba Đình là hai quận có tỷ suất tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí cao hơn, lần lượt là 59,8 và 55,3 trên 100.000 dân. Điều này trùng khớp với bản đồ nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm 2019 cấp quận/huyện tại Hà Nội mà PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cung cấp: Những nơi tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội thì có nồng độ bụi mịn PM2,5 cao nhất.

Hai quận có tỷ suất tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí thấp hơn là huyện Ba Vì và quận Nam Từ Liêm, lần lượt là 24,7 và 24,3 trên 100.000 dân. Tuy nhiên, nếu xét tỷ lệ tương đối, quận Thanh Xuân có tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí cao nhất, chiếm tỷ lệ 37% trên tổng số ca tử vong ở nhóm người 25 tuổi trở lên trên địa bàn quận.

Nhóm các nhà nghiên cứu này đã sử dụng: Số liệu tử vong năm 2019 của Hà Nội được ghi nhận trong hệ thống quản lý tử vong có tên là Sổ A6. Số liệu này được cung cấp bởi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) và được chọn đưa vào phân tích sau, do có ghi nhận lý do tử vong; Số liệu dân số được trích xuất từ hệ thống giám sát dân số của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội; Bản đồ nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm cấp quận/huyện của Hà Nội năm 2019.

Nghiên cứu sử dụng mô hình tử vong toàn cầu - GEMM (Global Exposure Mortality Model) để tính toán gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong do phơi nhiễm dài hạn với bụi PM2,5 với nhóm người dân có địa chỉ thường trú tại Hà Nội ở quần thể trên 25 tuổi.

"Đây là một phương pháp đang được sử dụng trong những năm gần đây trên toàn cầu cũng như tại châu Âu hay Iran trong đánh giá tác động dài hạn của ô nhiễm không khí lên gánh nặng sức khỏe liên quan đến tử vong. Mô hình GEMM được xây dựng dựa vào hàm số nguy cơ tử vong được tổng hợp kết quả của 41 nghiên cứu xác định mối liên quan dài hạn giữa ô nhiễm không khí và tử vong trên toàn cầu" - Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường Đại học Y tế Công cộng), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Hàm số nguy cơ này được xây dựng dựa vào sự gia tăng nguy cơ tử vong cho mỗi 10 µg/m3 tăng thêm của bụi PM2,5 sau khi hiệu chỉnh với các yếu tố khác (như dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu bia…).

"Trong báo cáo đánh giá gánh nặng bệnh tật toàn cầu có phần đánh giá các yếu tố liên quan đến bệnh tật. Trong 10 năm trở lại đây ô nhiễm không khí bên ngoài đứng trong top 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam"- Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung cung cấp.

Dưới tác động của sự gia tăng nồng độ bụi PM2,5, trung bình mỗi năm gia tăng thêm khoảng: 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, tương đương 1,2% tổng số ca nhập viện do bệnh tim mạch của người dân Hà Nội, và 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp tại Hà Nội, tương đương 2,4% tổng số ca nhập viện do bệnh hô hấp.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, số liệu về ca nhập viện chỉ thu thập được từ 14/20 bệnh viện cấp thành phố. Số liệu dùng để ước tính gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong do ô nhiễm không khí là số liệu tử vong từ sổ A6 - mà theo các nghiên cứu trước, sổ A6 chỉ phản ánh được 80% số ca tử vong tại Việt Nam.

Bụi mịn PM2.5 luôn vượt quy chuẩn ở tất cả quận/ huyện

Một trong những mục tiêu của nghiên cứu lần này là xây dựng bản đồ bụi PM2,5 trung bình năm cấp quận/huyện của Hà Nội năm 2019, sử dụng mô hình Ảnh hưởng Hỗn hợp (Mixed Effect Model).

Tại Hà Nội, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm 2019 nằm trong khoảng từ 22,9 µg/m³ đến 39,5 µg/m³ và từ 28,15 µg/m³ đến 39,4 µg/m³ trên bản đồ cấp quận/huyện.

Mặc dù giá trị nồng độ trung bình năm thấp nhất đo được tại Hà Nội là 22,9 µg/m³, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của các quận/huyện trên địa bàn thành phố năm 2019 thay đổi từ 28,15 µg/m³ đến 39,4 µg/m³, đều vượt ngưỡng QCVN 05:2013/ BTNMT (25 µg/m³).

Các khu vực có nồng độ bụi PM2,5 cao nhất là các quận nội thành như Đống Đa, Ba Đình - là những nơi tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội. So với các quận nội thành, các huyện ngoại thành như Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây có nồng độ bụi PM2,5 thấp nhất.

"Cần lưu ý rằng mức này vẫn cao hơn mức khuyến cáo của WHO (là 10 µg/m3 ) cho an toàn sức khỏe cộng đồng"- PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh phân tích.

Kết quả này dựa trên phân tích các dữ liệu quan trắc PM2,5 tại trạm mặt đất và các lớp dữ liệu bản đồ được thu thập trong 4 năm từ 2016-2019. Trong đó: Dữ liệu trạm quan trắc gồm: 6 trạm thuộc Tổng cục Môi trường; 2 trạm thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; 6 trạm dân cư thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội.

Các chuyên gia cả trong và ngoài nước đánh giá cao kết quả của nghiên cứu này. "Chúng tôi thấy các nước cũng thiếu số liệu nhưng câu hỏi là số liệu và các bằng chứng khoa học đóng góp gì cho việc xây dựng chính sách cũng như là việc triển khai các chính sách sau đó?" - TS Huỳnh Thu Ba, chuyên gia môi trường và biến đổi khí hậu, giảng viên trường Đại học Melbourne, Úc nêu ý kiến.

Trong 3 năm qua, Hà Nội đã ban hành và thực hiện các biện pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí như Chỉ thị 15/ CT-UBND năm 2019 và Chỉ thị 15/ CT-UBND năm 2020 của UBND thành phố Hà Nội lần lượt về loại bỏ việc sử dụng than tổ ong và chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ.

"Một trong những kết quả khả quan là than tổ ong giảm 90%, việc đốt rơm rạ giảm đáng kể, có những huyện hoàn thành chỉ tiêu không đốt rơm rạ. Tuy nhiên, nhiều nơi đốt rác thải sinh hoạt vẫn diễn ra" - Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, bà Lê Thanh Thủy cho biết. Năm 2021 UBND Thành phố Hà Nội đã chính thức giao Sở Tài nguyên - Môi trường, kết hợp với các sở ngành xây dựng "Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí Hà Nội".

Việc đánh giá tác động ô nhiễm không khí và kết quả can thiệp trên là cần thiết để điều chỉnh việc hoạch định và thực thi chính sách trong giai đoạn tiếp theo và xây dựng các chính sách phù hợp trong tương lai.

"Tuy nhiên, tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2,5 đến sức khoẻ cộng đồng là một vấn đề toàn cầu, vượt khỏi ranh giới địa lý của một thành phố hay một quốc gia. Ô nhiễm ở Hà Nội không phải chỉ riêng Hà Nội giải quyết mà phải có sự tham gia, hành động của các tỉnh lân cận" - Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live &Learn) nhấn mạnh.

“Báo cáo Tác động Ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019” được thực hiện bởi Trường Đại học Y tế Công cộng, Trường Đại học Công nghệ - Đại Học Quốc gia Hà Nội. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu do địa phương cung cấp để đánh giá gánh nặng bệnh tật do tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội. Nghiên cứu được điều phối bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) trong khuôn khổ Dự án Chung tay vì Không khí Sạch do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ