Hà Nội đang là địa phương có nhiều khu đô thị quy hoạch thông minh nhất cả nước. Trong các đô thị thông minh đó, Hà Nội tham vọng 100% văn bản điều hành được thực hiện trong môi trường số, gắn với chữ ký số, đa số người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, giao thông công cộng được gắn với hệ thống thẻ liên thông, quản lý công dân thông qua căn cước công dân gắn chip, khám chữa bệnh bằng sổ sức khỏe điện tử…

Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn là một trong những hoạt động được nhiều địa phương thực hiện tốt. Khu vực hành chính một cửa ở các quận, huyện đã giải quyết cơ bản phát sinh thủ tục giấy tờ, tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ông Chu Đức Hiền, Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông cho biết, từ ngày triển khai chế độ một cửa, cán bộ văn phòng hoạt động nhiều hơn, nhưng nhờ đó mà người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí thời gian. “Có những tuần làm cả ngày cuối tuần, làm ngoài giờ, làm đến tận tối nhưng vì bà con chúng tôi phải nỗ lực”, ông Hiền nói.

Sự tích cực này nhận được ủng hộ nhiệt tình từ nhân dân. Những thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian trước đây đã được số hóa trong giải quyết, nhanh gọn và chính xác, giúp người dân cảm thấy thuận tiện hơn

Để hướng tới mục tiêu "xây dựng thành phố thông minh", hiện tại, Hà Nội đã bắt đầu thiết lập hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn thành phố; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai tập trung; tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành hệ thống dữ liệu lớn, bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Việc làm thẻ căn cước cho công dân từ 6 tuổi trở lên trong thời gian qua cũng hướng tới mục tiêu này. Theo Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng Phòng PC06 Công an TP.Hà Nội, thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao; bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ.

“Bất kỳ độ tuổi nào chúng tôi cũng thống kê, tập hợp, các cháu đến độ tuổi nào cần làm giấy chứng nhận, căn cước là chúng tôi có thể triển khai được ngay”, Trung tá Nguyễn Thành Lâm khẳng định.

Để xây dựng thành phố thông minh, cần phải có hệ thống dữ liệu hoàn chỉnh. Dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy đẩy mạnh các tiện ích khai thác dữ liệu dân cư nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội tạo nền tảng phục vụ phát triển ứng dụng Công dân số đang là hướng đi cho Hà Nội. Tuy nhiên theo ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc VNPT, các chính sách để xây dựng hạ tầng dữ liệu vẫn còn khó thực thi.

“Quan trọng là chất lượng dữ liệu. Có kho dữ liệu dùng chung nhưng chất lượng không đảm bảo thì cũng không thể sử dụng. Vì vậy trách nhiệm của các sở, ban ngành rất quan trọng. Vì đây là những đơn vị đưa ra những tham vấn về chính sách để dữ liệu dùng chung này có được chất lượng”, ông Ngô Diên Hy phân tích.

Hà Nội đã xây dựng hệ thống một cửa liên thông điện tử dùng chung toàn thành phố, liên thông từ thành phố đến 30 quận, huyện, và 579 phường xã, thị trấn với 1.448/1.828 dịch vụ công mức độ 3 và 4; một số nơi đã triển khai hệ thống biên lai điện tử trong cung cấp các dịch vụ hành chính công.

Mục tiêu năm 2025, Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Việc xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội chính là một trong những phương thức "thông minh" để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, tạo một môi trường đô thị đáng sống cho toàn bộ cư dân Thủ đô.