Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, cảnh quan, môi trường và cuộc sống của người dân ở khu vực lòng hồ sông Đà, thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Thế nhưng, một điều rất tuyệt vời là những nét đẹp văn hóa của người dân bản địa vẫn được giữ vững, thậm chí khôi phục và phát huy. Ít ai biết người góp phần làm nên sự đổi thay này lại là một cô gái đến từ địa phương khác - chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc.

Giữ gìn và phát huy văn hóa của người bản địa

Thông qua phát triển du lịch cộng đồng, người dân tại xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Mó Hém và xóm Đá Bia (xã Tiền Phong) thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình không chỉ gìn giữ được những nét đẹp văn hóa của người bản địa mà còn phát huy hiệu quả nghề truyền thống của quê hương.

Xóm Sưng với hơn 400 người dân tộc Dao Tiền đang sinh sống là một điển hình. Cùng với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của những cánh rừng tự nhiên, nơi đây còn giữ được nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Dao Tiền. Tự hào về điều này, chị Lý Thị Nhất cho biết trước đây bà con chủ yếu sản xuất mang tính “tự cung tự cấp”. Từ ngày công nghiệp phát triển, giao thương thuận lợi, những người trẻ chuyển sang mặc quần áo thông thường nhiều hơn, thay vì trang phục truyền thống. Chỉ một số ít chị em tự dệt áo, quần để mặc vào những dịp lễ, tết. Vì thế, có những thời điểm nghề dệt thổ cẩm cũng như trang phục truyền thống của người Dao Tiền đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng đúng lúc đó, chị em phụ nữ xóm Sưng được chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc lên tư vấn, hỗ trợ để duy trì và phát triển nghề dệt. Rồi cũng chính chị Hảo là người kết nối để chị em có cơ hội vừa quảng bá sản phẩm, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đồng thời trực tiếp bán sản phẩm để có thêm thu nhập. “Khách tới đây phần lớn là người nước ngoài thông qua công ty du lịch của chị Hảo. Chị em chúng tôi không nói được tiếng Anh nên khi giới thiệu về văn hóa, sản phẩm cũng phải nhờ đến các phiên dịch viên của công ty du lịch”, chị Nhất chia sẻ.

Ban đầu, chỉ có vài chị em, đến nay xóm Sưng đã có hẳn một Tổ sản xuất thổ cẩm với 12 thành viên. Theo chị Triệu Thị Tiên, bất cứ ai yêu quê hương, cội nguồn của dân tộc mình đều rất tự hào về “bước đi mới” của nghề dệt thổ cẩm ở xóm Sưng. “Nhóm sản xuất thổ cẩm được chia thành 3 tổ, tương ứng là 3 công đoạn để hoàn thành một sản phẩm, gồm thêu, in sáp ong và nhuộm. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm, cùng chị em chúng tôi làm 3 công đoạn đó để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm. Cuối ngày, họ có thể mang về sản phẩm do chính tay mình làm ra. Đó cũng là cách chúng tôi bán sản phẩm để có thêm thu nhập”, chị Tiên cho biết.

Xóm Sưng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cũng là nơi được cộng đồng biết đến trong việc chăm sóc sức khỏe với những bài thuốc nam. Tuy nhiên, chỉ đến khi bà con được chị Đinh Thị Hảo tư vấn cách làm dịch vụ và kết nối với du khách thì những bài thuốc của đồng bào Dao mới được phát huy. Ông Lý Văn Minh - chủ một hộ gia đình làm dịch vụ tắm dược liệu cho biết những bài thuốc tắm của người Dao Tiền có từ lâu đời. Trước đây, bà con chỉ lấy về để các thành viên trong gia đình tắm, vì thuốc có tác dụng xoa dịu những cơn đau về xương, khớp. Từ khi có khách du lịch đến thì các bài thuốc mới trở thành sản phẩm và dịch vụ. “Phần lớn khách nước ngoài và khách nội đến đều có nhu cầu tắm thuốc. Riêng khách trong nước, tắm xong họ còn mua về. Chúng tôi cũng đã đóng gói và bán cho họ mang về. Tháng nào đông khách, chúng tôi có thêm thu nhập khoảng 7 triệu đồng”, ông Minh tự hào.

Tại xóm Ké, xã Hiền Lương, nhờ du lịch cộng đồng phát triển, những nếp nhà của ông cha, đường nét hoa văn trên tấm thổ cẩm hay các điệu múa, câu hát mang đậm hương sắc núi rừng của bà con dân tộc Mường mới được giữ gì và khởi sắc. “Có những thời điểm bản sắc văn hóa của dân tộc Mường chúng tôi bị mai một. Chẳng hạn, về nét đẹp của thổ cẩm, chị em – nhất là những người trẻ chủ yếu mua áo may sẵn của người Kinh về mặc thay vì tự dệt quần áo thổ cẩm. Khi có du lịch cộng đồng về tới xóm, chị em mới dành nhiều thời gian hơn để tự dệt áo thổ cẩm và mặc hàng ngày chứ không đợi đến ngày lễ, tết mới mặc”, bà Đinh Hải Luyên, ở xóm Ké chia sẻ.

Khôi phục nghề truyền thống

Sinh ra và lớn lên tại xã Cao Sơn - nơi từng có nghề làm giấy Dó nhưng từ nhỏ, anh Triệu Phúc Thìn chỉ được nghe các cụ cao niên trong bản kể về nghề. Chỉ đến khi được một dự án với sự khích lệ và hỗ trợ từ chị Đinh Thị Hảo, anh Thìn mới biết cách tạo ra thành phẩm từ các nguyên liệu sẵn có trên nương, trên rẫy. “Nghề làm giấy Dó của người Dao Tiền có từ rất lâu rồi. Khi công nghiệp phát triển, họ làm ra giấy Dó công nghiệp thì nghề của cha ông chúng tôi không còn đất sống vì không thể cạnh tranh về giá thành. Cho đến khi có dự án khôi phục nghề giấy Dó truyền thống, kết hợp du lịch thì nghề của cha ông chúng tôi mới sống lại được, anh Thìn chia sẻ.

Anh Thìn cho biết, trong giai đoạn nghề làm giấy Dó bị mai một, bà con ở xã Cao Sơn chỉ còn duy trì trồng cây Dó, thu hoạch, rồi bán nguyên liệu thô. Mỗi kg chỉ thu được 15.000 đồng. Tới khi tự làm được thành phẩm với nguồn nguyên liệu sẵn có, thu nhập của anh và một số hộ gia đình mới được cải thiện. Bởi lẽ, mỗi kg nguyên liệu thô có thể cho ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tờ giấy Dó thành phẩm tùy theo kích thước với giá bán dao động từ 15.000 đến 40.000/tờ.

Theo anh Thìn, thu nhập tăng lên khiến ai cũng phấn khởi nhưng vui hơn cả là được làm nghề truyền thống của cha ông, thông qua đó khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Tiền. “Tôi nghĩ nghề giấy Dó có tồn tại thì chúng tôi mới giữ được văn hóa, bản sắc của dân tộc”, anh Thìn nêu quan điểm.

Nếu không có sự khích lệ từ chị Đinh Thị Hảo và các tour du lịch trải nghiệm của công ty du lịch Đà Bắc, chắc chắn nghề làm giấy Dó của đồng bào dân tộc Dao Tiền ở xã Cao Sơn chưa thể trở lại. Đây là chia sẻ của anh Lý Văn Bình. Theo anh, dù còn khó khăn nhưng anh tin nghề làm giấy Dó sẽ từng bước phát triển, giúp bà con nơi đây gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống. “Chị Hảo đã kết nối và hỗ trợ chúng tôi khôi phục thành công nghề của cha ông. Từ chỗ chúng tôi chỉ nghe kể về nghề, giờ chúng tôi đã làm ra được thành phẩm. Khó khăn vẫn ở phía trước, vì duy trì và phát triển được nghề mới là việc khó. Tuy nhiên, tôi tin rằng nghề làm giấy Dó của chúng tôi sẽ được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, thông qua đó, chúng tôi vừa giữ gìn được văn hóa, nghề truyền thống dân tộc vừa có thêm thu nhập”, anh Bình bày tỏ niềm tin về tương lai của nghề giấy Dó.

Thay đổi tư duy, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với nghề làm giấy Dó, dệt thổ cẩm và làm thuốc nam, một số hộ gia đình tại các xã Cao Sơn, Hiền Lương và Tiền Phong thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình còn cải tạo nhà cửa làm dịch vụ lưu trú, học nấu ăn để phục vụ thực khách, học thuyết trình để làm hướng dẫn viên du lịch. Nhờ vậy, thu nhập gia tăng đáng kể. Điển hình là hộ gia đình anh Đặng Văn Nhất và chị Triệu Thị Quý ở xóm Sưng, xã Cao Sơn. Vẫn nếp nhà cũ với văn hóa, kiến trúc của dân tộc Dao Tiền do cha ông để lại nhưng nay đã trở thành cơ sở lưu trú cho khách du lịch với mức giá 100.000 đồng/đêm/người khi bên trong có thêm một số tiện nghi. Anh Nhất, chị Quý còn biết nấu nhiều món ăn, đáp ứng đa dạng nhu cầu của thực khách. Thay vì chỉ lo “ngày ba bữa cơm” cho gia đình, giờ anh chị có thể phục vụ hàng chục thực khách cùng một lúc. “Trước đây vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp. Khi có chị Hảo đến khảo sát, tư vấn và hỗ trợ thì mới từng bước cải tạo lại nhà để làm dịch vụ lưu trú và tham gia các lớp học nấu ăn để biết cách chế biến. Dù lượng khách còn khiêm tốn nhưng tháng nào chúng tôi cũng có thêm thu thập, giúp cải thiện kinh tế gia đình”, chị Quý cho biết.

Ông Lý Văn Nghĩa, trưởng xóm Sưng cho biết, xóm hiện có 78 hộ, gồm 400 nhân khẩu. Trước 2017, 100% các hộ đều thuộc diện nghèo và cận nghèo. Nhờ phát triển dịch vụ du lịch kết hợp làm nông nghiệp nên hiện chỉ còn 23 hộ nghèo. “Từ khi du lịch cộng đồng chớm nở, tình hình kinh tế, xã hội của các địa phương bắt đầu chuyển biến theo hướng tích cực. Các hộ thoát nghèo được đều là các hộ có làm thêm dịch vụ về du lịch”, ông Nghĩa chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa và nhiều người dân ở các xã Cao Sơn, xã Hiền Lương và xã Tiền Phong, đáng mừng nhất là sự đổi thay trong tư duy, cách nghĩ và hành động của bà con. “Điều khiến tôi vui nhất là bà con rất quan tâm tới việc học tập của con trẻ. Như thế hệ chúng tôi, bố mẹ không muốn cho con đi học. Bản thân tôi khi còn nhỏ cũng không dám mơ là học lên đến lớp 12”, chị Lý Thị Nhất chia sẻ.

Ông Nghĩa cho rằng từ thay đổi trong tư quy và cách nghĩ đó nên lối sống ở xóm Sưng cũng văn minh hơn. Thể hiện rõ nhất là sự đổi thay về cảnh quan môi trường. “Những năm trước, từ đầu xã đến cuối xóm, nơi đâu cũng có rác thải. Còn nay, từ người già đến trẻ nhỏ đều có ý thức, không vứt rác, túi nilon ra ven đường, không ném xác động vật ra khe suối nữa”, ông Nghĩa cho biết.

Chặng đường chinh phục thành công đầy gian nan, thử thách

Niềm vui của bà con và chính quyền địa phương cũng chính là điều khiến chị Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc hài lòng về những gì đã cố gắng suốt một chặng đường dài. “Tôi hạnh phúc khi thấy cuộc sống của bà con ở khu vực lòng hồ Sông Đà được cải thiện, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn, hình ảnh đất nước con người Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn”, chị Hảo chia sẻ.

Chị Hảo cho biết quê ở tỉnh Hà Nam. Năm nay 32 tuổi nhưng chị đã dành tới hơn 10 năm gắn bó với bà con các dân tộc ở 3 xã của huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), gồm Cao Sơn, Hiền Lương và Tiền Phong.

Tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp năm 2012, chị Hảo về làm cán bộ Ban Quản lý dự án của tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP), Australia. Tại Đà Bắc, AOP triển khai 2 hoạt động chính là tạo sinh kế cho người dân và tư vấn, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Để thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con, sau khi lặn lội khảo sát, chị đã đến từng nhà, tìm hiểu hoàn cảnh, thuyết phục họ mạnh dạn tham gia dự án. Khi các hộ đồng ý, chị lại tổ chức các khóa tập huấn để họ sửa sang lại nhà cửa và công trình phụ làm homestay (loại hình dịch vụ lưu trú tại nhà của người dân bản địa) và có nghiệp vụ về bếp, buồng phòng, vệ sinh… “Ban đầu người dân không hiểu thế nào là du lịch cộng đồng. Họ chỉ quen với các hình thức hỗ trợ như trồng cây gì, nuôi con gì. Tôi phải ăn ngủ cùng họ suốt một thời gian dài mới thuyết phục được họ đồng hành với dự án”, chị Hảo cho biết.

Năm 2017, với sự định hướng của Tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam chị Hảo thành lập Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc (Đà Bắc CBT) làm đối tác hỗ trợ và đồng hành với AOP trong việc triển khai các hoạt động du lịch cộng đồng. “Công ty của chúng tôi còn đóng vai trò là bên giám sát chất lượng dịch vụ và là đại diện trong việc ký kết với các công ty lữ hành”, chị Hảo khẳng định.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty của chị Hảo đã thu hút được hơn 10 nghìn lượt khách về trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Đà Bắc, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 80%).

Chị Hảo cho biết, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đang gia tăng trở lại. Để phát huy thế tiềm năng, thế mạnh của khu lòng hồ sông Đà, Đà Bắc CBT đã ký kết hợp tác với một số công ty du lịch như Intrepid Việt Nam, EXO Travel, Learning Project và một số các doanh nghiệp xã hội khác..., để phát triển du lịch cộng đồng. Bởi theo chị, đây là hướng đi đúng. “Tôi nghĩ phát triển du lịch cộng đồng sẽ đem lại nhiều lợi ích. Đây vừa là giải pháp hiệu quả để bảo tồn, khôi phục văn hóa bản địa, đồng thời là sinh kế giúp bà con phát huy thế mạnh của địa phương để thoát nghèo bền vững. Hình ảnh con người, đất nước và văn hóa của dân tộc cũng sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn”, chị Hảo chia sẻ.