Lần thứ nhất tôi có duyên gặp anh trong mùa dịch Covid- 19 năm ngoái, khi đó anh bắt đầu triển khai mô hình “ATM khẩu trang”.

Lần thứ 2 tôi gặp anh là vào dịp Tết Tân Sửu trong một chương trình phát thanh đặc biệt dành để nói về những con người có sức lan tỏa những việc làm tử tế. Và anh là một khách mời đặc biệt trong chương trình này để kể về một mô hình đặc biệt, “ATM gạo” dành cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid- 19, mà anh là chủ nhân.

Giờ đây khi thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam đang trong những ngày căng thẳng nhất của dịch bệnh Covid- 19, tôi lại có dịp được trò chuyện cùng anh…Vẫn khởi đầu ý tưởng từ sự đồng cảm, chia sẻ yêu thương với cộng đồng, lần này anh lập dự án “ATM oxy” miễn phí và chính thức vận hành bắt đầu từ hôm nay.

Anh là Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHG Lock ….

Cú sốc đầu đời, một thử thách nghiệt ngã…

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh, sau nhiều năm học tập và kinh doanh ở Australia, Hoàng Tuấn Anh quyết định trở về quê hương theo đuổi nghề sản xuất khóa cửa điện tử thông minh và mô hình nhà thông minh. Dẫu giờ đây anh là một doanh nhân trẻ thành đạt, có tiếng tăm, nhưng có lẽ ít ai biết rằng để có một Hoàng Tuấn Anh như hôm nay, anh cũng từng trải qua những quãng thời gian không hề bằng phẳng khi khởi nghiệp đến đâu thất bại đến đó.

Ngày ấy khi vẫn còn đang sinh sống ở Úc, Hoàng Tuấn Anh đã mạnh dạn đầu tư một khoản tiền khá lớn tích cóp sau nhiều năm vào thực hiện dự án lắp đặt tấm cách nhiệt miễn phí cho các hộ dân, theo chủ trương của Chính phủ Úc. Gặp đúng thời cơ, chỉ trong 6 tháng, anh kiếm được 1 triệu USD. Vậy nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi cơ hội kiếm lời từ dự án này đang trên đà tăng tốc thì Chính phủ Úc đột ngột cho dừng chương trình. Lúc đó toàn bộ vốn liếng cũng như tiền lời lãi đã được anh dùng để nhập hàng chục container hàng, mỗi container trị giá tầm 25.000 - 30.000 USD.

Giọng đầy nghẹn ngào, anh Tuấn Anh chia sẻ: “Mỗi container đang từ vàng biến thành rác và chỉ sau vài tiếng đồng hồ…tôi mất trắng. Thời điểm đó là năm 2007. Thiệt hại lúc ấy quá nặng nề, bởi ngoài vốn liếng đã đổ vào nhập nguyên liệu, tôi còn phải chịu thêm chi phí tiêu hủy khoảng 2.000 USD/container. Trong 5 giờ đồng hồ, tôi chẳng còn gì trong tay…”.

Tuổi còn trẻ lại phải đối diện với nỗi mất mát quá lớn này, anh gần như rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần. Thậm chí đã có lúc anh nghĩ đến cái chết. Nhưng đúng vào thời điểm bế tắc nhất ấy, cuộc điện thoại của mẹ anh từ Việt Nam gọi sang cùng lới nhắn nhủ “con có khó khăn gì thì nói, mẹ sẽ giúp”, đúng như một chiếc phao cứu sinh, giúp anh bừng tỉnh và quên đi những suy nghĩ tiêu cực để tĩnh tâm trở lại.

“Cánh tay của mẹ đã kéo tôi đứng dậy…”, kể đến đây Hoàng Tuấn Anh đã bật khóc…Và hơn ai hết anh hiểu rõ rằng để có được anh như ngày hôm nay là nhờ điểm tựa yêu thương ấy. “Tôi tâm niệm luôn cố gắng hành xử như mẹ, giúp đỡ người khác khi họ cần nhất”. Phương châm sống ấy theo anh từ đó đến nay.

ATM gạo miễn phí đổi lấy những nụ cười và lời cảm ơn

Năm ngoái, khi dịch bệnh Covid- 19 xảy ra, đẩy nhiều người vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Bản thân Công ty của Hoàng Tuấn Anh cũng không ngoại lệ, phải gồng gánh để vượt qua đại dịch. Nhưng khi nhìn thấy những người dân nghèo, “buôn gánh bán bưng” phải chật vật kiếm ăn từng bữa, anh nghĩ phải làm việc gì đó, dù nhỏ để giúp đời, giúp người. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định tận dụng những thứ mình đang có để thực hiện mô hình “ATM gạo” đầu tiên trong cả nước với hy vọng "một miếng khi đói bằng gói khi no"…

Ngay khi cây "ATM gạo" ra đời, không ít lời xì xào, bàn tán cho rằng anh làm màu, đánh bóng tên tuổi, quảng bá cho doanh nghiệp...Nhưng tất cả những thứ đó chẳng làm anh bận tậm mà điều khiến anh trăn trở nhiều nhất là làm thế nào để giúp đỡ được nhiều hơn nữa những người lao động nghèo, những người bán vé số không bị đói khát trong những ngày dịch bệnh bủa vây.

“Trong mùa dịch có biết bao sự hy sinh đầy xúc động, đó là những y bác sĩ ngày đêm căng mình để giúp đỡ bệnh nhân, những chuyến bay miễn phí để đưa đồng bào mình trở về quê hương, và còn cả người bộ đội nhường doanh trại của mình cho người đến cách ly nghỉ ngơi. Bản thân tôi cảm thấy được truyền cảm hứng từ chính những hình ảnh đẹp đẽ ấy. Khi cảm nhận được, tôi cũng muốn truyền lại cảm hứng cho những cá nhân, doanh nghiệp khác để mọi người cùng chung tay giúp ích cho xã hội”. Cứ tâm niệm và suy nghĩ như thế nên anh làm ngày làm đêm cùng với các đồng nghiệp của mình và rất đông mạnh thường quân để mở rộng mô hình ATM gạo ra nhiều địa bàn trong cả nước. Cũng nhờ đó mà biết bao mảnh đời cơ cực đã vượt qua được giai đoạn khó khăn trong mùa dịch năm ngoái. Còn với anh, sau tất cả những vất vả, khó khăn, giá trị anh nhận được nhiều nhất từ hoạt động thiện nguyện này chính là những lời cảm ơn và nụ cười của người nhận.

“Chỉ khi nào ở bước đường cùng, người ta mới hiểu được cảm giác hạnh phúc khi có bàn tay chìa ra với mình. Ai đang trong cảnh khó khăn nhất, cần một bàn tay, thì có tôi nguyện nắm lấy, giúp họ vượt qua nghịch cảnh”

Từ ATM gạo đến ATM oxy – đem lại sự sống cho nhiều bệnh nhân

Dịch bệnh Covid- 19 tiếp tục bùng phát lần thứ 4 ở nước ta với mức độ ảnh hưởng nặng nề và dữ dội hơn…Một lần nữa xã hội lại phải chứng kiến thêm biết bao mảnh đời lao đao, khốn khó trong mùa dịch.

Vẫn làm đúng với những gì mình cam kết với lòng, Tuấn Anh lại đau đáu nghĩ cách để giúp người, giúp đời. “Câu chuyện về một người cha giữa đêm phải đi đổi bình oxy cho con, từ đó, tôi nghĩ bình oxy rất quan trọng, giữ được mạng sống của bệnh nhân. Bình thường, người ta có thể nhịn ăn 3-5 ngày nhưng không thể nào nhịn thở vài phút”. Vậy là từ mô hình “ATM gạo”, anh nghĩ ngay ra ý tưởng “ATM oxy”.

“Tại thành phố Hồ Chí Minh ở thời điểm này dịch bệnh đang bùng phát nghiêm trọng, có nhiều bệnh nhân F0 tự cách ly, điều trị tại nhà, nhu cầu sử dụng bình oxy tăng cao hơn bao giờ hết. Đặc biệt, có nhiều gia đình ở ngoại thành trong thời gian giãn cách này rất khó khăn cho họ trong việc phải đi đổi bình oxy”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, khác với “ATM gạo” trước đây, việc triển khai “ATM oxy” ở thời điểm này khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài việc đòi hỏi kinh phí lớn hơn thì bình oxy lại là sản phẩm đặc biệt, có những rủi ro nhất định nên anh cùng các đồng nghiệp phải cẩn trọng, tính toán để an toàn và đạt hiệu quả cao nhất.

Không chùn bước trước những khó khăn, ngay lập tức anh phối hợp cùng với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lên kế hoạch đặt mua vài trăm bình oxy mới. Cùng với đó anh kêu gọi cộng đồng quyên góp bình khí hàn gió đá về vệ sinh sạch sẽ để chuyển đổi công năng thành bình oxy y tế. Và khi dự án “ATM oxy” vẫn còn đang trong quá trình kêu gọi quyên góp, chưa kịp triển khai thì anh Tuấn Anh đã nhận được thông tin của một nam thanh niên ở Quận 10 khẩn cầu được hỗ trợ gấp oxy để cứu sống người cha của mình. Không chần chừ, đắn đo, anh cùng cả nhóm quyết định vận chuyển bình oxy đến người bệnh ngay trong đêm. Nhờ được hỗ trợ oxy kịp thời nên tình trạng sức khỏe của cha người thanh niên này đã được cải thiện.

“ATM oxy mặc dù vẫn chưa đưa vào vận hành chính thức. Thế nhưng, trong tình huống khẩn cấp, nếu có ai cần gấp thì chúng tôi đều giải quyết ngay lập tức. Đến nay, cũng đã hỗ trợ được khoảng hơn chục trường hợp như thế”, anh Tuấn Anh cho biết.

Và sau những ngày làm việc đầy khẩn trương, ngày hôm nay, dự án “ATM oxy” chính thức hoạt động. Tuy nhiên do chi phí để mua bình oxy rất lớn, nên trước mắt, chương trình triển khai trước 6 trạm tại Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận Tân Phú, Quận Bình Tân và Huyện Bình Chánh. Tới đây khi có nguồn kinh phí ổn định và số lượng bình oxy đủ đáp ứng nhu cầu, chương trình sẽ lập 22 trạm ATM oxy, phân bố khắp các quận huyện trên địa bàn thành phố.

Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm vận hành, bảo quản của các trung tâm cung cấp oxy lâu năm. Từ đó, ATM oxy được đảm bảo vận hành an toàn, đúng với khuyến cáo của Bộ Y tế ”.

Cũng theo thông tin từ anh Hoàng Tuấn Anh, hiện nay đơn vị vận hành là thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiệm vụ trực tiếp vận chuyển mang bình oxy đến cho F0 và các bệnh nhân khác. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ mua một số bình oxy và kêu gọi mạnh thường quân, doanh nghiệp đóng góp. Ngoài ra Công ty Vạn Tấn Phát cũng nhận hỗ trợ bơm bình oxy miễn phí hoặc với giá thành thấp nhất.

Người dân khi có nhu cầu có thể gọi điện thoại tới đường dây nóng theo số 0796.55.55.64. Ngoài ra các mạnh thường quân cũng như những ai muốn đóng góp bình oxy có thể gọi vào số 0938.686.420 để cùng chung tay tham gia vào chương trình thiện nguyện hết sức ý nghĩa này.

Cũng qua chương trình này, anh Tuấn Anh, mong muốn một số doanh nghiệp đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đầu cơ đẩy giá lên gấp ba gấp năm, gấp 10 lần. Hãy chung tay để hỗ trợ chương trình cứu giúp những người đang tuyệt vọng nhất vì thiếu bình oxy. “Bình oxy rất quan trọng có thể cứu sống một mạng người. Hãy đặt mình trong trường hợp người thân đang hấp hối mà tìm không được một bình oxy hay máy thở thì cảm giác sẽ như thế nào. Chừng nào hiểu được cảm giác đó ắt sẽ có sự đồng cảm”, anh Tuấn Anh chia sẻ.