Xác định vấn đề nhà ở là "sàn an sinh tối thiểu của người lao động" nên ngay trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề nhà ở. Ngoài chính sách cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, còn phải nhắc tới Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Hai nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhận được 500.000 đồng/người/tháng và người lao động quay trở lại thị trường lao động được nhận 1.000.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng; phương thức chi trả hằng tháng.

Trong bối cảnh hiện nay, các chính sách này vẫn đã và đang giữ vai trò quan trọng “tiếp sức”, "giữ chân" người lao động, phát triển thị trường lao động ổn định, bền vững. Dù khoản tiền hỗ trợ tuy không nhiều nhưng thực sự có ý nghĩa động viên rất lớn đối với người lao động trong một năm khó khăn vừa qua.

“Với nhiều người khoản tiền hỗ trợ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi tháng không quá lớn, nhưng với những lao động nghèo như chúng tôi, số tiền này như một điểm tựa giúp tôi giảm bớt một phần áp lực kinh tế nhất là trong thời điểm “bão giá” như hiện nay”. Chị Đào Thị Phú, làm việc tại bộ phận sản xuất Công ty TNHH Maple, chuyên lĩnh vực may mặc ở Khu công nghiệp VSIP huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng đã trải lòng như vậy khi nói về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 08.

Chị Bùi Thị Hồng Liên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Maple cũng đánh giá rất cao chính sách hỗ trợ này của Chính phủ. Theo chị, đó là sự tiếp sức kịp thời cho cả người lao động và doanh nghiệp sau những khó khăn của đại dịch và cơn “bão giá” của thị trường.

“Đối với bất cứ chính sách nào của Chính phủ đều có ý nghĩa với người lao động vì cuộc sống của họ có rất thứ phải chi tiêu nên luôn trong tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền nên có thêm một đồng trợ cấp đều quý và có ý nghĩa”, chị Liên khẳng định.

Xây dựng khẩn cấp và thời gian triển khai ngắn, nên chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được đơn giản hóa hết mức các thủ tục hành chính, thủ tục rút gọn; dễ thực hiện để bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 11 và giúp người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

Ông Lê Văn Thanh, thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân không chỉ hỗ trợ cho người lao động mà còn tiếp sức cho cả doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện, tất cả những vấn đề phát sinh, vướng mắc chưa phù hợp với thực hiện, luôn được các cơ quan chức năng như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp thu, điều chỉnh để chính sách đến với người lao động một cách kịp thời nhất. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, đó chỉ là giải pháp hỗ trợ trước mắt, về lâu dài sẽ cần tới những chính sách mang tính ổn định, bền vững hơn.

“Về lâu dài, chúng ta cần quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã dành khoảng 40.000 tỷ đồng, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì để xây dựng nhà ở cho người lao động. Cùng với dó, Tổng Liên đoàn Lao động, huy động nguồn vốn xã hội tại các doanh nghiệp để xây dựng nhà cho công nhân”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.

Mỗi chính sách an sinh xã hội tiếp sức cho doanh nghiệp, người lao động đã và sẽ là giải pháp quan trọng góp phần trong quá trình phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi địa phương, đất nước vượt khó sau đại dịch Covid-19.