Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, nhiều người bán hàng rong và buôn bán nhỏ ở vỉa hè, chợ cóc bị kiệt sức và không có vốn khởi động lại công việc kinh doanh của mình. Chính vì vậy, mạng lưới vì Một Hà Nội đáng sống và Mạng lưới Phi lợi nhuận miền Nam hiện một chương trình giúp người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn một khoản vốn nhỏ phục hồi sinh kế.
Dự án tiếp cận người cần hỗ trợ thông qua sự giới thiệu của các cá nhân, tổ chức, chính quyền địa phương. Sau khi tiếp nhận thông tin, dự án sẽ xác minh thông tin, đến thăm người cần hỗ trợ và tiến hành thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng. Ngoài việc cung cấp tiền vốn, dự án muốn tăng cường sự kết nối giữa người dân, các tổ chức xã hội doanh nghiệp và chính quyền địa phương để cùng nhau vượt qua khó khăn chung do dịch covid gây ra.
Là một trong những người đầu tiên nhận hỗ trợ của dự án, chị Hoàng Thị Trang làm nghề bán cá ở vỉa hè gần chợ tại Định Công Thượng, Hà Nội cho biết ba tháng nay gia đình chị không có thu nhập do phải ở nhà. Con trai lớn bị viêm màng não nên phải nằm tại chỗ, đứa con nhỏ hơn thì đang học tiểu học nên cũng có nhiều thứ phải lo. Trong đợt giãn cách vừa qua, gia đình chị dù được hỗ trợ bởi người thân và bạn bè, hàng xóm nhưng chị vẫn phải vay mượn để chi trả cho cuộc sống. Chị Trang rất xúc động khi nhận được 3 triệu đồng hỗ trợ của chương trình vì đây là sự giúp đỡ rất thiết thực cho gia đình chị. Khi hết giãn cách, chị vẫn không có vốn để đi bán hàng tiếp nên với số tiền hỗ trợ này đã giúp gia đình chị rất nhiều.
Còn ông Văn Huy Lương, 62 tuổi, làm nghề bán tăm bông ở vỉa hè lại chưa bao giờ nghĩ rằng minh sẽ được hỗ trợ vốn để bán hàng trở lại. Ông Lương đang ở trọ cùng vợ trong một căn phòng chưa đến 10 mét vuông, chỉ đủ kê một cái đệm ở phường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông Lương tâm sự, giãn cách xã hội cả hai vợ chồng ông chỉ ở trong nhà, mấy tháng không đi làm được nhưng vẫn phải trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước… nên bây giờ dù dịch được kiểm soát, những người như ông được phép đi bán hàng lại nhưng không còn vốn để lấy hàng. Chính vì thế, vợ chồng ông rất vui mừng khi nhận được hỗ trợ.
Không chỉ những người lao động nghèo ở Hà Nội mà những người khuyết tật như ông Phạm Văn Sen, 60 tuổi ở TP.HCM cũng được hỗ trợ vốn để mua hàng. Ông Sen bị khuyết tật vận động, mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Ông Sen chia sẻ, những người bán vé số như ông ngày nào cũng cố gắng đi bán để có tiền trang trải cuộc sống. Dù có cố gắng đi bán quanh năm nhưng cũng không để dành nổi chút tiền tiết kiệm, làm ngày nào ăn ngày đó, phải chắt chiu mới đủ sống. Đợt dịch bùng phát vừa rồi 4 tháng ở nhà không đi bán được nên phải mượn tiền để chi tiêu và trả tiền thuê nhà nên khi nhận được sự hỗ trợ ông rất cảm động.
Cũng giống ông Sen đi bán vé số, bà Nguyễn Thị Hoa, năm nay đã ngoài 70 tuổi lại có hoàn cảnh rất khó khăn. Bà thường bán vé số dạo tại Quận Gò Vấp, TP.HCM để chăm lo cho con trai bị tai biến nặng và người con gái bị khuyết tật vận động. Bà Hoa cho biết, trong mấy tháng bị dịch nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, mẹ con bà mới đủ sống qua ngày vì tiền tiết kiệm và tiền hỗ trợ của Nhà Nước đã gom vào để trả tiền nhà hết. Chính vì thế, khi nhận được sự hỗ trợ về vốn để đi bán vé số lại bà Hoa vui mừng không xiết vì lại có có tiền lo ăn uống, thuốc men và trả tiền nhà.
Theo anh Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới vì Một Hà Nội đáng sống, lý do thực hiện dự án hỗ trợ này là do những người buôn bán nhỏ, những người khó khăn đã “kiệt sức” sau thời gian dài không làm việc. Hỗ trợ họ, giúp họ có vốn để phục hồi các hoạt động sinh kế sau giãn cách xã hội chính là cách giúp họ nuôi bản thân và gia đình một cách tự chủ và bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội không chỉ trong dịch mà cả khi dịch đã đi qua. Điều này không chỉ có hiệu quả lâu dài cho cá nhân người nghèo mà còn giúp cho nền kinh tế phi chính thức phục hồi nhanh hơn.
Anh Phạm Trường Sơn, Phó chủ tịch Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam cho biết, đơn vị này đang triển khai 100 gói hỗ trợ với mức từ 3 - 5 triệu đồng để giúp những người buôn bán nhỏ lẻ. TP.HCM đang dần dần đi vào những hoạt động buôn bán trong bối cảnh bình thường mới sau thời gian dài giãn cách xã hội nên rất nhiều trường hợp người khuyết tật, người già đã bắt đầu cần vốn để hỗ trợ việc buôn bán nuôi sống mình và gia đình. Còn bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng truyền thông công ty Ford Việt Nam - đơn vị đồng hành cùng hai mạng lưới ở Hà Nội và TP.HCM, vui mừng khẳng định, cách làm này đảm bảo nguồn hỗ trợ đến được với đúng người, đúng thời điểm và tạo ra những thay đổi bền vững cho cả người dân và cộng đồng. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu trong các hoạt động Trách nhiệm xã hội của những công ty đang hoạt động tại Việt Nam như công ty Ford./.