Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong số này có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách, pháp luật đối với trẻ tự kỷ chưa có quy định cụ thể đối với nhóm đối tượng này mà ẩn khuất trong các nhóm đối tượng yếu thế khác và được đề cập ở một số văn bản pháp luật như Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em.

Theo ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, điều này đã gây không ít khó khăn trong việc can thiệp, hỗ trợ trẻ tự kỷ như: Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với trẻ tự kỷ; thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể, cá biệt có nơi còn coi công tác này chỉ là những hoạt động phong trào, nhân đạo, từ thiện.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỉ. Việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về can thiệp tự kỷ vẫn là ngành chưa được chú trọng trong khi nhu cầu của gia đình và số trẻ tự kỷ chưa được can thiệp sớm, đúng cách là rất lớn.

Hơn nữa, giáo viên hiện nay đang dạy hòa nhập ở trường mầm non còn hạn chế trong sự hiểu biết về Hội chứng tự kỷ, những đặc điểm của trẻ tự kỷ, những khó khăn trẻ gặp phải, phương pháp và kỹ năng dạy trẻ trong lớp học hòa nhập ở trường mầm non.

Cùng với đó, đời sống của nhiều trẻ tự kỷ nặng, đặc biệt nặng còn khó khăn, mức trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật còn thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội còn hạn chế; năng lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng.

Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ còn thiếu về số lượng; các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực này chưa bài bản, chưa đạt tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực.

Ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, cần có các biện pháp quan tâm, chăm sóc trẻ nhỏ tốt hơn để ngăn chặn các nguy cơ mắc chứng tự kỷ, đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ để trẻ không phải chịu nhiều thiệt thòi trong chẩn đoán, can thiệp và hoà nhập. Trong đó cần tập trung vào một số giải pháp sau:

- Tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí…; Chúng ta cần có chính sách đặc thù hơn, ưu tiên hơn đối với trẻ tự kỷ và hỗ trợ gia đình có trẻ tự kỷ. Trong đó, cần đề xuất điều chỉnh các chế độ chính sách như điều chỉnh mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ chăm sóc, chính sách hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế… đối với trẻ tự kỷ và gia đình của trẻ

- Tổ chức thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, điều trị, trị liệu và phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Hỗ trợ triển khai giáo dục ở các cấp học thông qua việc xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục cho trẻ em tự kỷ và thanh thiếu niên. Ngoài ra, nghiên cứu biên soạn tài liệu, sổ tay hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí… cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực giáo dục. Xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên hỗ trợ. Nghiên cứu, xem xét đưa nội dung giáo dục hòa nhập vào các chương trình đào tạo giáo viên đối với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành sư phạm...

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và công tác xã hội đối với trẻ em, người tự kỷ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành.

- Triển khai Quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm quy hoạch cơ sở bảo trợ xã hội cho người khuyết tật; cần chú trọng quan tâm đầu tư kiện toàn các cơ sở chăm sóc, trợ giúp xã hội, giáo dục, phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần.

- Cần tăng cường truyền thông về hội chứng tự kỷ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội và của chính bản thân những gia đình có trẻ tự kỷ về hội chứng này.

Mời nghe âm thanh tại đây: