Sau 3 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo:
Báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo sơ kết 3 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cho biết, từ 2021 đến nay, tổng nguồn vốn đã phân bổ cho chương trình là 23.529,867 tỷ đồng (trong đó ngân sách TW: 21.855,107 tỷ đồng, chiếm 92,88%; ngân sách địa phương: 1.494,67 tỷ đồng, chiếm 6,35%; huy động: 180,09 tỷ đồng 0,77%).
Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 4,03%, giảm 1,17%, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg (1,0-1,5%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% (năm 2021 là 25,91%)[1], đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg (giảm trên 3,0%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (4%). Có 01 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Năm 2023: Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%). Ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự kiến cuối năm 2023 thêm 09 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (việc làm, y tế , giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, vượt lên mức sống tối thiểu, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và nhà nước; giúp các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vừng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Tập trung vào lõi nghèo khó khăn nhất của cả nước:
Đây là giai đoạn thứ hai cả nước thực hiện chuẩn nghèo đa chiều với mục tiêu không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, tập trung vào lõi nghèo khó khăn nhất của cả nước. Chương trình có 7 dự án được kết cấu thành 2 dự án và 11 tiểu dự án.
+ Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
+ Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
+ Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng.
+ Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn.
+ Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.
+ Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
+ Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư trên 1.684 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,... tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo liên kết vùng phục vụ dân sinh.
Hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo với trên 14.496 hộ tham gia. Hỗ trợ hơn 1.000 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; khoảng 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 88.218 người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoảng 146 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho hơn 10.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tạo việc làm, có thu nhập, nâng cao đời sống góp phần giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ việc làm bền vững, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối với thị trường lao động đối với trên 30.000 lượt người lao động.
Hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 12.877 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, trong đó xây mới là 9.598 căn, sửa chữa là 3.279 căn.
Năm 2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 256.324 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 247.970 tỷ đồng với hơn 6,3 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, tổng dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 112.782 tỷ đồng, chiếm 44% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội đạt trên 283.348 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Ước thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2023 tổng dư nợ đạt 321.648 tỷ đồng, trong đó: cho vay hộ nghèo là 34.802 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 43.099 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 46.108 tỷ đồng, cho vay các đối tượng chính sách khác 197.639 tỷ đồng.
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin. Xây dựng 262 chương trình phong trào, tổ chức 645 hội nghị, đối thoại cho 40.353 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo; 1.569 băng rôn, pano và hàng trăm bài viết về các mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến giảm nghèo ở cộng đồng, các điển hình tấm gương nỗ lực vươn lên thoát nghèo góp phần nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và người dân về công tác giảm nghèo.
Tổ chức 1.412 lớp tập huấn cho 181.875 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo; 36 đoàn học tập kinh nghiệm; khoảng 48.000 người dân được tập huấn, hướng dẫn, tư vấn tạo sinh kế, hướng nghiệp, học nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập để vươn lên thoát nghèo. Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình và tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đúng đối tượng, đạt được mục tiêu đề ra.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024 - 2025:
Tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 diễn ra sáng nay, 17/11 tại Lào Cai, nhiều giải pháp cũng đã được đề ra để có thể hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của chương trình trong giai đoạn 2024-2025.
Thứ nhất là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn 2023 và nguồn vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (phấn đấu đến hết năm 2023 giải ngân tối thiểu đạt 95%). Đồng thời, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân bổ sớm, đủ tổng nguồn vốn của cả Chương trình cho năm 2024, 2025 để các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện (Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính thông báo dự kiến tổng nguồn vốn 02 năm còn lại của Chương trình cho tất cả các bộ, ngành, địa phương).
Thứ hai là tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình theo thẩm quyền được giao. Nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong giai đoạn đến năm 2030; đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030 như tại Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư đã giao. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc tổ chức thực hiện Chương trình tại địa phương.
Thứ ba là thực hiện có hiệu quả các dự án/tiểu dự án của Chương trình, trong đó ưu tiên các giải pháp tác động vào các chiều có tỷ lệ thiếu hụt cao, đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng lõi nghèo để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Thứ tư là tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông về giảm nghèo để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khắc phục tốt nhất cách tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng có nơi còn hình thức thời gian qua.
Thứ năm là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là đội ngũ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, cấp xã để có đủ năng lực triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết về thí điểm kết hợp nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia: