Nghe chương trình tại đây:
Trần Mạnh Hùng, 28 tuổi là nhân viên ngân hàng. Thu nhập hàng tháng khoảng 8 con số, có nhà trả góp và một mối quan hệ yêu đương dài hơn hai năm. Cả hai đều khiến phụ huynh yên tâm nhưng vấn đề là chả ai muốn tiến thêm một bước.
“Việc bạn kết hôn có sự chứng thực của pháp luật hay là có một mối quan hệ ràng buộc nào đó thì cũng không đảm bảo một cuộc hôn nhân hạnh phúc” - Hùng nói và thẳng thắn lựa chọn cuộc hôn nhân không ràng buộc.
“Chỉ cần hai người có chung quan điểm sống, có một tâm hồn đồng điệu sẽ gặp gỡ, kết nối và đến bên nhau, cùng nhau chia sẻ cảm xúc vui buồn trong cuộc sống” - với Hùng thế là đủ cho mối quan hệ bền lâu.
Chưa có định nghĩa rõ ràng về hôn nhân không ràng buộc hay tự do trong hôn nhân. Hiểu một cách đơn giản, đó là cuộc hôn nhân không ràng buộc pháp lý, chẳng cần đến tờ giấy đăng ký kết hôn. Họ có thể tổ chức đám cưới hoặc không. Có thể chung tài sản hoặc của ai người đấy giữ. Con cái có thể sinh hoặc làm vợ chồng son dài hạn.
"Theo tư duy truyền thống, khi mà bạn đã đăng ký kết hôn rồi, bạn sẽ phải có trách nhiệm với gia đình đấy. Bạn sẽ phải làm cho hạnh phúc gia đình hơn, điều kiện tốt hơn” - chàng trai 28 tuổi luôn cảm thấy hôn nhân là gánh trên vai hai chữ trách nhiệm. “Hôn nhân không ràng buộc để cả hai đều vui vẻ”- Hùng chia sẻ về lựa chọn.
Những câu chuyện đổ vỡ, vết thương hậu ly hôn được kể đâu đó rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, các hội nhóm trên mạng xã hội như tiếp lửa cho suy nghĩ: không ràng buộc - không đau khổ, ngọn nguồn đều là do kinh tế. Phạm Mai Trang - 24 tuổi ở Hà Nội cho biết cả nam và nữ hiện nay đều bình đẳng lựa chọn cuộc hôn nhân theo cách của mình.
“Áp lực của nam giới là tài chính, bước vào hôn nhân bạn phải cam kết lâu dài với đối phương, lo cho vợ con. Còn bạn nữ thì phần nhiều là do áp lực tâm lý như mẹ chồng nàng dâu, sự chung thủy, sợ đổ vỡ…”
Ở thế hệ 7X, 8X hay 9X, hôn nhân là một phần trong kế hoạch cuộc sống. Nó quan trọng không kém các mục tiêu khác như: học tập, sự nghiệp, tài chính. Thế nhưng, các bạn trẻ gen Z lại đang sắp xếp lại mục tiêu của đời họ.
Trong cuộc khảo sát 1.880 người Mỹ trưởng thành mà Business Insider hợp tác cùng YouGov thực hiện vào đầu năm 2023, 72% cho biết muốn đạt được sự đảm bảo về tài chính, 59% nói rằng mục tiêu là cải thiện sức khỏe. Nhiều gen Z có thể không muốn đi theo con đường của các thế hệ trước. Họ đang ưu tiên sự nghiệp và sức khỏe hơn là ổn định cuộc sống và lập gia đình. Như vậy, chỉ khoảng 27% thanh niên từ 18 đến 26 tuổi xem việc lập gia đình là mục tiêu quan trọng cần đạt được trong 5 năm tới. (Số liệu tham khảo từ nhiều nguồn)
Tại Việt Nam, theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta có sự thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỉ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong vòng hơn 30 năm. Cụ thể, từ năm 1989 - 2023, độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 đã tăng lên 29,3 tuổi, từ 23,2 tăng lên 25,1 tuổi đối với nữ vào năm 2023. Tỉ lệ người độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.
Xu hướng “hôn nhân không ràng buộc” chưa từng được cập nhật trong báo cáo nào nhưng đây luôn là chủ đề được các bạn trẻ bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn. Đây chưa phải là xu thế của số đông nhưng quan điểm đó đã xuất hiện ở một số cặp đôi muốn “tự do hôn nhân” gắn liền với “tự do tài chính”.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết cho rằng, hiện nay các bạn trẻ được hô hào sống vì bản thân quá nhiều. "Nhiều ông bố bà mẹ cũng khuyên con sống vì bản thân, nếu ai đó làm con bị tổn thương thì sẵn sàng dừng lại. Điều này cũng sẽ làm bạn trẻ phân vân nhiều hơn".
Mạng xã hội cũng là nguyên nhân tiếp sức cho các bạn trẻ lùi bước trước hôn nhân. "Đôi khi chúng ta đang sống vì những cái đang được biểu diễn trên mạng xã hội. Đó là áp lực đồng trang lứa, bạn phải có bao nhiêu tiền, bất động sản, chức vụ. Áp lực con cái, điều kiện tốt, học trường gì? Khi mình chưa có những điều kiện đó thì ngần ngừ sợ kết hôn, sợ sinh con". Bên cạnh đó là những chia sẻ trên truyền thông về mặt tối của hôn nhân như bạo hành, ngoại tình...khiến người trẻ cảm thấy hôn nhân quá nhiều vấn đề trong khi có nhiều mục tiêu hơn.
Theo chuyên gia này, người trẻ sợ hôn nhân vì sợ trách nhiệm nhưng lối sống “không ràng buộc” lại thể hiện sự thiếu trách nhiệm.
“Hạnh phúc là sự đánh đổi, đó là ràng buộc. Tình cảm bền lâu được xây đắp không chỉ cảm xúc yêu đương mà còn là trách nhiệm với nhau. Đừng nhầm lẫn hạnh phúc là tự do”.
Nguyễn Thanh Trà, 25 tuổi, độ tuổi đẹp để kết hôn nhưng em lại đang đắn đo. Bởi người em yêu thì cha mẹ không tán thành, vậy là Trà chọn sống cùng bạn trai nhưng không cam kết bền lâu.
“Mối quan hệ không thể kéo dài vì thật sự là trong thâm tâm mình vẫn mong muốn có một mối quan hệ hôn nhân như bình thường, có sự ràng buộc, có tài sản chung, có liên quan đến pháp luật và đương nhiên là có con cái nữa. Thế nên là mình sẽ không để mối quan hệ này kéo dài lâu đến mức đấy” - Trà thừa nhận sau thời gian chọn cuộc sống vợ chồng không ràng buộc với bạn trai.
Suy cho cùng lựa chọn nào cũng đều mong muốn đạt được hạnh phúc. Có người xem hôn nhân không ràng buộc như một kế hoạch tương lai, có người lại xem đó là giải pháp tạm thời.
"Chủ yếu đến từ việc bạn chưa có được đầy đủ nền tảng kiến thức về hôn nhân. Việc thiếu kiến thức khiến các bạn cảm thấy bước vào hôn nhân rất khủng khiếp, mà bạn chưa từng chia sẻ mong muốn, nguyện vọng với đối tác chưa, cùng nhau đi đến thỏa thuận, hai bên sẽ có một số cái nương nhau. Đây vừa là ràng buộc vừa không ràng buộc" - Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết chia sẻ.