Hôm nay (10/12), tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật (NKT), hướng tới thập kỷ Người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương 2023-2032 và đi bộ diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm. Chương trình này nằm trong chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù khu vực ASEAN”.

Mục đích của chuỗi sự kiện nhằm thực hiện Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật của Liên hợp quốc, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của Người khuyết tật; đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước, Hội và các tổ chức xã hội có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, đóng góp hiệu quả vào phong trào chung của người khiếm thị trong khu vực và thế giới.

Hoạt động này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta, cũng như giới thiệu với bạn bè quốc tế về thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế nói riêng, quyền con người nói chung, góp phần nâng cao vị thế của đất nước Việt Nam, Hội và các tổ chức xã hội trên trường quốc tế.

Phát biểu tại Lễ Mít tinh, bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương hoan nghênh Hội Người mù Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật. “Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, tôi nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc quan tâm, tạo điều kiện để người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng thực hiện quyền bình đẳng, phát huy khả năng, vươn lên hòa nhập cộng đồng với mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” - bà Hoài khẳng định.

Với mục tiêu hiện thực hóa quyền của Người khuyết tật, tháng 10/2022, 53 quốc gia thành viên và 9 thành viên liên kết thuộc Ủy ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) đã thông qua Tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của người khuyết tật tại Hội nghị cấp cao Liên Chính phủ tổng kết thập kỉ Người khuyết tật khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, 2013 – 2022. UNESCAP đã nhất trí rằng Thập kỷ người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2023–2032 cần tiếp tục tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược Incheon và Tuyên bố Bắc Kinh, trong đó có “Kế hoạch hành động để đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Incheon”, đồng thời, đã đưa ra 06 vấn đề trọng tâm nhằm thúc đẩy hành động và bảo vệ quyền của người khuyết tật.

Phát huy những kết quả đó, với mục đích đóng góp vào phong trào chung của người mù trong khu vực, Hội Người mù Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù ASEAN”.

Cùng với thế giới và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam mong muốn xây dựng một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ giữa các thành viên vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và lấy người dân làm trung tâm. Chính phủ các nước ASEAN cũng đã cam kết thực hiện Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của Người khuyết tật. Trong đó, cộng đồng người mù ASEAN đã cùng nhau xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, hợp tác và phát triển.

Nhân dịp này, bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng, đặc biệt là các nội dung trong Luật người khuyết tật cùng các kiến nghị bổ sung, sửa đổi, đảm bảo vừa phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và các văn bản pháp lý quốc tế, vừa phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, cùng chung tay hỗ trợ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống và hội nhập quốc tế. Bà Bùi Thị Minh Hoài cũng bày tỏ mong muốn Hội Người mù Việt Nam, các tổ chức của người mù và vì người mù trong Cộng đồng ASEAN sẽ cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù khu vực ASEAN”, góp phần cùng Chính phủ và nhân dân trong khu vực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và phát triển.

Với sự tham gia của 500 đại biểu đến từ Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của LHQ, Ban Thư kí ASEAN, Hiệp hội Người mù thế giới, Hiệp hội Người mù khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN, Hội Người mù các nước trong khu vực, cùng các Ban, ngành, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức quốc tế, tổ chức của và vì Người khuyết tật tại Việt Nam, chuỗi sự kiện đã diễn ra hết sức sôi nổi và hiệu quả với nhiều nội dung: nói chuyện chuyên đề, các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quá trình gia nhập và thực thi Hiệp ước Marrakesh, thúc đẩy giáo dục đại học gắn với tạo việc làm…

Tiếp nối thành công của hành trình “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” với hơn 20.600 cây gậy trắng đã được trao cho người mù trên mọi miền đất nước, tại Lễ Mít tinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao 400 cây gậy trắng cho Hội Người mù Việt Nam và các nước ASEAN.

Sau lễ mít tinh, các đại biểu cùng nhau đi bộ diễu hành với hình ảnh người mù cầm cây gậy trắng để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo đảm an toàn cho người mù khi tham gia giao thông, đồng thời, tạo điều kiện để họ phát huy tính chủ động, tự lập, tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Những khuyến nghị được đưa ra nhân Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật:

1. Các Chính phủ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, chú trọng những điểm trọng tâm đã được nêu trong tuyên bố Jakarta về thực hiện quyền của NKT cần thúc đẩy trong thập kỉ NKT khu vực Châu Á - Thái Bình dương 2023 – 2032, Kế hoạch tổng thể của ASEAN về lồng ghép quyền của NKT. Đặc biệt, tất cả các quốc gia đều gia nhập và thực hiện Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, NKT chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố.

2. Rà soát các quy định trong luật pháp quốc gia và tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Công ước của LHQ về quyền của NKT cùng các văn bản pháp lí quốc tế.

3. Thu thập dữ liệu về NKT, có phân tách về dạng tật, giới tính, độ tuổi… Từ đó, có cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ NKT cụ thể và hiệu quả.

4. Lưu tâm các cấu trúc khác nhau như giới tính, tuổi tác và chủng tộc giao thoa với tình trạng khuyết tật tạo thêm rào cản cho các đối tượng khác nhau. Áp dụng cách tiếp cận giao thoa trong lập kế hoạch, chính sách và hành động phát triển.

5. Phân bổ đủ nguồn tài chính để người khuyết tật được hòa nhập đầy đủ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm nhưng không giới hạn ở các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm, thể thao và giải trí cũng như quá trình ra quyết định.

6. Quan tâm đến các nhu cầu đặc biệt của người khuyết tật, lưu ý đặc điểm tiếp cận của người khiếm thị nhằm tăng khả năng tiếp cận môi trường vật chất, giao thông công cộng, thông tin và truyền thông (trong đó, chú trọng việc số hóa thông tin) và dịch vụ thiết yếu liên quan đến các trường hợp khẩn cấp về rủi ro thiên tai, sức khỏe cộng đồng và các dịch vụ công khác.

7. Chú trọng các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, trang thiết bị công nghệ, phần mềm… phục vụ cuộc sống, học tập, làm việc của người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung.

8. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, dữ liệu, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ cho NKT.

9. Tham vấn và đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật, thông qua các tổ chức đại diện của họ (OPD), trong việc lập kế hoạch, xây dựng chính sách và thực thi chính sách trong các lĩnh vực của cuộc sống.

10. Cộng đồng ASEAN thành lập Ủy ban về quyền của NKT và phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của NKT nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết bảo đảm quyền cho NKT.