Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước.

Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới so với mục tiêu. Đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Đánh giá, nhìn nhận về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Trong đó nổi bật nhất là khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả nông thôn mới giữa các địa phương, giữa các vùng, miền.

Tư duy ngành nông nghiệp và người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng trong sản xuất mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự xã hội nông thôn…

Nhấn mạnh về một số điểm mới của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chương trình sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn (nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn…).

“Sẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn…”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Lê Minh Hoan trình bày cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới và cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Huy động 2,45 triệu tỷ đồng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Để đạt được những mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025., dự kiến Chương trình sẽ huy động khoảng khoảng 2,45 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương: 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); Vốn ngân sách địa phương: Khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%), ngoài ra là các nguồn vốn khác…

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, dự kiến thu ngân sách nhà nước khó khăn và không có yếu tố tăng đột biến trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác như đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, quốc phòng, an ninh…

Do vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành phương án bố trí vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình là 39.632 tỷ đồng và đề nghị trong quá trình điều hành, căn cứ điều kiện thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối vốn ngân sách Trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình.

Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại các hạng mục đầu tư để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.