Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung:

Kết dư BHXH tốt, không lo vỡ quỹ

[VOV2] - "Nếu như những năm trước, chúng ta luôn có nỗi lo vỡ quỹ BHXH. Tuy nhiên mấy năm qua kết dư quỹ BHXH tương đối tốt. Các chính sách về BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn, thai sản… chi đúng mục tiêu, đúng mục đích", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Chiều 22/10, thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung khẳng định quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 trụ cột chính trong lưới an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện quốc tế có 9 loại hình bảo hiểm thì Việt Nam triển khai 8 loại hình. Riêng bảo hiểm gia đình Việt Nam chưa thực hiện.

Nếu như những năm trước đây, chúng ta luôn có nỗi lo vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội nhưng mấy năm qua kết dư quỹ BHXH tương đối tốt. Các chính sách về BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn, thai sản, tử tuất… chi đúng mục tiêu, đúng mục đích.

Đặc biệt, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu như từ năm 2008-2018 chỉ có 250.000 lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì 2 năm qua đã phát triển xấp xỉ 1,3 triệu người.

Điều khiến Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung băn khoăn nhất là hiện nay có đến mấy trăm nghìn doanh nghiệp, mấy trăm nghìn chủ sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHTN... Số tiền chây ì, khó thu hồi lên đến 3000 tỷ đồng, số tiền khó đòi khoảng 8000 tỷ đồng.

“Thời gian qua chúng ta có chủ trương giao cho công đoàn khởi kiện. Nhưng không thể làm được. Thông lệ quốc tế không có quốc gia nào giao cho công đoàn khởi kiện doanh nghiệp. Thứ hai, trong pháp luật giao cho công đoàn được ủy quyền của người lao động. Vấn đề là ủy quyền này là ủy quyền mang tính chất cá nhân. Trong 1 doanh nghiệp có mấy người không ủng hộ là không làm được. Bên cạnh đó phần đa cán bộ công đoàn cơ sở đang ăn lương của ông chủ lẽ nào lại đi kiện ông chủ?”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu khó khăn khi khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất liên quan đến cơ sở pháp lý khi xử lý hình sự doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động trốn đóng BHXH theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là khó phân biệt được đâu là chậm đóng, trốn đóng. Chậm đóng thì chỉ chịu phạt nhưng trốn đóng mới xử lý hình sự. Việc phân tách giữa chậm đóng, trốn đóng là rất khó khăn.

Bàn về các giải pháp để thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng công tác tuyên truyền phải thực chất. Khi người dân thực sự hiểu rồi thì sẽ tham gia.

Thứ hai, phải giao chỉ tiêu cho HĐND, UBND các tỉnh. Chỉ tiêu này phải được đưa vào chỉ tiêu thống kê theo Luật thống kê. Khi giao chỉ tiêu cho địa phương chắc chắn tình hình sẽ khá hơn.

Liên quan tới việc triển khai chính sách BHYT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu ý kiến cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư một số cơ sở y tế lớn. Lấy ví dụ về các cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức được đầu tư rất lớn nhưng chưa hiệu quả, nhiều hạng mục còn đắp chiếu, tốn kém tiền của đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tỷ lệ người dân tộc thiểu số miền núi và người nghèo tham gia Bảo hiểm y tế rất và được ngân sách nhà nước đầu tư. Nhưng mức độ hưởng lại hạn chế. Do vậy Bộ trưởng đề xuất nên chăng thực hiện mục tiêu, tất cả những người dân có bảo hiểm y tế này hàng năm được khám sức khỏe bắt buộc.

“Hiện chúng ta có 11 triệu người lớn tuổi nhưng chỉ có 5% người già, người lớn tuổi không có BHYT mà người già quan trọng nhất là tấm thẻ BHYT trong khi số này chỉ khoảng 500.000 người. Quốc hội nên giao nhiệm vụ cho Chính phủ cân nhắc hỗ trợ cho nhóm đối tượng này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết 31/12/2020 là 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019.

Tổng số dư các quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến năm 2020 là 953 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2019.

Cụ thể, số tiền thu BHXH bắt buộc năm 2020 là trên 261,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2020 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, chiếm 4,4% số phải thu.

Tổng số kết dư đầu tư quỹ BHXH, BHYT, BHTN đến 31/12/2020 là 897,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó 86,8% là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Tổng số tiền lãi thu được từ hoạt động đầu tư quỹ trong năm 2020 khoảng 47,59 nghìn tỷ đồng; lãi suất đầu tư bình quân năm 2020 đạt 5,02%.

Năm 2020 lãi đầu tư từ quỹ Bảo hiểm xã hội vượt 47,5 nghìn tỷ

[VOV2] - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến 31/12/2020 tổng số kết dư đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp là 897,7 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền lãi thu được từ hoạt động đầu tư quỹ trong năm 2020 khoảng 47,59 nghìn tỷ đồng.

image-article
Tag: