Vốn dĩ gia đình có người làm trong ngành thủy sản, anh Phạm Văn Nhiêu ở thôn Đông Ninh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng theo nghề nuôi cá đến nay đã hơn 30 năm. Lập gia đình năm 1991, sau đó anh Nhiêu và vợ là chị Ngô Thị Lụa mạnh dạn vay Agribank 10 triệu để mua cá giống về nuôi. Trải qua không biết bao khó khăn, vất vả, đến nay anh Nhiêu là người đầu tiên ở Tiên Lãng nuôi cá tầm. Với 128 lồng cá tầm, riêng tiền thức ăn cho cá ít nhất cũng 40 triệu/ngày nên bên cạnh nguồn vốn gia đình tích cóp, anh Nhiêu vay thêm tiền từ ngân hàng. Dư nợ của vợ chồng anh tại Agribank Tiên Lãng là 12 tỷ đồng. Cơ sở của anh hiện có 22 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập người mới vào làm là 6 triệu đồng, người cao nhất là 15 triệu đồng. Với giá cá tầm hiện nay là 220 nghìn đồng/kg, dự kiến tới Tết Nguyên đán, anh chị cũng thu về khoản lợi không nhỏ.

Nhìn lợi nhuận là thế nhưng để có được cơ ngơi như hiện tại, anh Nhiêu, chị Lụa cũng nhiều lần khó khăn, thiệt hại do thiên tai. Ngay đầu năm 2023, hai trại cá tầm của anh chị đầu tư trên Hà Giang bị lũ quét, 27 tỷ đồng trôi theo dòng nước. Ngay sau đó, Agribank đã tiếp cận hỗ trợ giảm lãi cho anh chị. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sự quan tâm đồng hành cùng khách hàng của các cán bộ Agribank là yếu tố quan trọng để anh Nhiêu gắn bó với Ngân hàng Nông nghiệp từ ngày đầu khởi nghiệp cho đến khi thành ông chủ xuất bán ngày hàng chục tấn cá.

Anh Phạm Văn Nhiêu cho biết lý do 30 năm qua mình lựa chọn vay vốn tại Agribank:

Cũng giống như anh Phạm Văn Nhiêu, anh Hoàng Văn Thuấn, Giám đốc Hợp tác xã Thuấn Lanh ở thôn Kim Đới, xã Tiên Thanh cũng gắn bó với Agribank từ những ngày đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản. Anh Thuấn kể, năm 2013, anh mạnh dạn vay 400 triệu đồng để kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Sau đó 3 năm, anh chị thành lập Hợp tác xã, chăn nuôi gà thịt và trồng rau củ sạch. Hơn 800 hộ nông dân là đối tác liên kết của hợp tác xã, người nông dân bỏ ruộng, bỏ công chăm sóc, hợp tác xã đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con với các mặt hàng ớt, dưa chuột bao tư, cà chua, khoai tây. Chỉ tính riêng ớt, chi phí sản xuất khoảng 7 nghìn/kg, với giá bán hiện nay khoảng trên 40 nghìn đồng, một sào cho thu hoạch 7-8 tấn ớt loại A, lợi nhuận thu về cho một sào ớt là trên 20 triệu đồng. Hợp tác xã Thuấn Lanh cũng đang đầu tư gia công 50 trang trại gà thịt, tổng số gà thịt là hơn 43 vạn con.

Tuy nhiên, nông nghiệp vốn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro. Với 50 trại gà, từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023, giá gà giảm kỷ lục, anh Thuấn cũng méo mặt vì lỗ gần 13 tỷ. Trong lúc khó khăn, vợ chồng anh Thuấn đã nhanh chóng được ngân hàng giảm lãi, cơ cấu lại khoản vay. Vì vậy, dù có khó khăn, nhưng anh chị vẫn chưa ngày nào nợ tiền lãi ngân hàng cũng như tiền hàng của bà con. Chị Nguyễn Thị Thơm, giám đốc Agribank Tiên Lãng cho biết, đồng hành cùng bà con nông dân, các cán bộ tín dụng luôn theo sát diễn biến giá gà, giá cá, giá nông sản để kịp thời tư vấn tháo gỡ khó khăn cho người vay, liên kết, giới thiệu đầu ra người nông dân. Cùng với đó, các cán bộ Agribank còn giúp người nông dân làm quen với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, giờ đây ở chợ dân sinh, 80% bà con tiểu thương đã dùng mã QR trong thanh toán, nhiều người nông dân Tiên Lãng cũng đã biết livestream bán hàng online tới khách hàng toàn quốc.

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tiên Lãng:

Có thể nói, sự tận tâm, tận tình đồng hành với người nông dân của các cán bộ ngân hàng đã giúp Agribank Tiên Lãng được bà con gắn bó lựa chọn khi cần có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Hiện tại, dư nợ tại Agribank Tiên Lãng là 1.715 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ có trên 700 triệu đồng.