Gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn (thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, thành phố Hạ Long) trước kia là một trong những hộ nghèo của xã. Dù chăm chỉ làm ăn, nhưng do chưa tiếp cận được với phương pháp nuôi trồng khoa học nên chị liên tiếp gặp thất bại hết lần này đến lần khác, vốn liếng không thể thu hồi. Cái nghèo, cái khó cứ thế bám riết lấy gia đình chị. Chị Nhàn kể: “Quê tôi ở Bắc Ninh. Năm 1985 mới chuyển về đây sinh sống. Trước kia nơi này là vùng đồi núi hoang vu. Gia đình tôi nghèo gần như nhất vùng. Được thôn cấp cho mấy sào để trồng lúa nhưng không hiệu quả”

Nhờ sự vận động của chính quyền địa phương và quyết tâm của gia đình, vợ chồng chị Nhàn quyết định làm đơn xin thoát nghèo. Nói là làm, vợ chồng chị đăng ký tham gia lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phối hợp với Hội nông dân xã tổ chức. Sau khi tham gia khóa học, chị mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng ổi Đài Loan. Từ 40 cây giống ban đầu nay chị đã có hơn 600 gốc ổi. Khu đất hoang ngày nào giờ đã phát triển thành vườn rộng hơn 3.000m2, cây ăn trái quanh năm tươi tốt. “Được đào tạo, tập huấn các kỹ năng thoát nghèo, vợ chồng động viên nhau thay đổi cách làm từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả. Khu vườn nhà tôi quanh năm đều có quả từ ổi, mít, bưởi…Dù chưa phải là nhất nhưng cuộc sống bây giờ đã thay đổi nhiều, có của ăn của để”- chị Nhàn phấn khởi.

Cũng giống chị Nhàn, chị Nguyễn Thị Tuyến cũng là tấm gương điển hình trong việc thoát nghèo của địa phương. Mô hình du lịch sinh thái tổng hợp rộng hơn 1ha của gia đình chị khiến bất cứ ai cũng cảm thấy nể phục. Từ một hộ nghèo mà giờ đây, chị đã vươn lên thoát nghèo và trở thành một trong những hộ có thu nhập khá ở địa phương. Chị Tuyến bảo, có được điều đó là nhờ sự hỗ trợ vốn vay của Hội LHPN xã. “Trước đây kinh tế rất khó khăn, chỉ trồng lúa nên đời sống chật vật. Sau khi được vay vốn của hội phụ nữ thì mình cũng tập trung phát triển kinh tế, được đi dự các lớp tập huấn về mô hình trồng cây rồi học nấu ăn. Khi đã có vốn và kiến thức tôi cũng mạnh dạn mở mô hình du lịch sinh thái ngay tại nhà”- chị Tuyến chia sẻ.

Cầm trong tay 50 triệu đồng vay được từ Hội LHPN xã, chị Tuyến cũng đã từng lo lắng không biết làm có thành công hay không, nếu không được chẳng những không thoát nghèo mà còn mang thêm nợ. Thế nhưng, với sự đồng lòng, ủng hộ và tin tưởng của chồng, chị Tuyến đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế và thu lại được kết quả chỉ trong một thời gian ngắn. “ Được vay 50 triệu, lúc đấy mình chưa biết sẽ làm gì, cũng rất sợ vì trước đây chỉ trồng lúa thôi. Sau một thời gian nghiên cứu tôi quyết định chuyển sang trông ổi kết hợp với du lịch sinh thái tại nhà. Nhờ quyết định sáng suốt đó là giờ đây cuộc sống của gia đình cũng tạm ổn, tuy chưa phải là giàu nhưng mỗi tháng cũng có hơn 10 triệu đồng. Cuộc sống ở quê với số tiền này là cũng ổn” - chị Tuyến cho biết.

Là một trong những xã khó khăn của thành phố Hạ Long nhưng những năm gần gây, công tác giảm nghèo ở xã Sơn Dương đã có bước chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn không ngừng được nâng lên. Theo chị Ân Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Dương, có được điều này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn để từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Để giúp chị em thoát nghèo, Hội phụ nữ xã đã đứng ra nhận ủy thác vay vốn với số tiền là hơn 20 tỷ cho hơn 600 hội viên vay. Từ nguồn vốn vay, nhiều chị em đã chủ động trong phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống, từ đó có điều kiện mua sắm vật dụng gia đình, đầu tư cho con ăn học.

Với phương châm “trao cần câu hơn trao xâu cá”, những mô hình phát triển kinh tế được hội phụ nữ hỗ trợ mang tính bền vững, lâu dài đã tạo được những kết quả tích cực, góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo chung của tỉnh./.

Mời nghe bài viết tại đây: