Trong năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề, người dân có nhu cầu đi lại, làm việc, mua bán, giao thương rất nhiều...Việc sớm có phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới là điều thực sự cần thiết, nhằm giảm bớt áp lực, khó khăn trong đi lại cho người dân.

Trao đổi với Phóng viên VOV2, Chuyên gia giao thông, PGS.TS Phạm Việt Cường nhận định, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng đột biến dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024 sẽ gây ra nhiều áp lực cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Có thể nói áp lực giao thông là thách thức lớn với lực lượng chức năng làm công tác đảm bảo trật tự tại những “điểm đen” ùn tắc trên các tuyến đường giao thông lớn. PGS.TS Phạm Việt Cường phân tích, dịp cận Tết có rất nhiều yếu tố dẫn đến việc ùn tắc. Nguyên nhân là mỗi năm số lượng phương tiện giao thông tăng lên, nhất là ở các thành phố lớn tăng 10-15%. Bên cạnh đó, vào thời điểm giáp Tết, người dân phát sinh nhiều nhu cầu đi lại, mua bán hàng hóa tăng lên đáng kể. Việc giao thương, trao đổi hàng hóa diễn ra nhiều, kéo theo việc vận chuyển hàng hóa, giao hàng gia tăng khiến lưu lượng tham gia giao thông càng tăng lên. Thêm nữa, vào mỗi dịp Tết cổ truyền, những người đi làm ăn xa quay trở về quê ăn Tết khiến số lượng người đi lại, tham gia giao thông tăng hơn nhiều so với ngày thường.

Khi lưu lượng giao thông tăng gây áp lực lên đường xá, dẫn tới ùn tắc. Cái nữa là do tâm lý hối hả của nhiều người tham gia giao thông trong các dịp cuối năm, ai cũng có tâm lý cần đi nhanh, cần giải quyết nhanh nên đi lại cũng vội vã. Những áp lực về mặt thời gian của đội ngũ giao hàng, vận chuyển hàng hóa cũng là một trong những lý do dẫn tới ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường ứng trực, chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn cứ xảy ra trên các trục giao thông chính và tại các đô thị lớn. Phân tích thêm về nguyên nhân gân ùn tắc giao thông, PGS.TS Phạm Việt Cường cho rằng áp lực lưu lượng giao thông lên hạ tầng là rất lớn. Trong khi không thể mở rộng cơ sở hạ tầng nhanh thì số lượng phương tiện giao thông, mà đa phần phương tiện cá nhân gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Theo chuyên gia Cường, yếu tố chủ quan của người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra ùn tắc giao thông. Với tâm lý vội vã, ai cũng muốn nhanh giải quyết công việc cá nhân nên nhiều khi không tuân thủ tín hiệu giao thông, nguyên tắc khi tham gia giao thông. Không ít trường hợp đi lấn làn, vượt đèn đỏ, hoặc cố vượt khi đèn tín hiệu chỉ còn 1,2 giây là chuyển sang màu đỏ. Tại các nơi đường giao nhau, nếu mỗi người đều cố vượt thì rất dễ xảy ra tắc nghẽn giữa các luồng giao thông, thậm chí kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Điểm nữa là ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Đa phần người dân khi nhìn thấy lực lượng chức năng hoặc cảnh sát giao thông thì có ý thức tuân thủ nhiều hơn. Còn nếu như vắng bóng lực lượng cảnh sát giao thông thì việc tuân thủ luật lệ giao thông chưa được nghiêm.

Lực lượng cảnh sát giao thông dù đã căng hết sức để phân luồng, điều tiết giao thông nhưng dường như cũng quá tải, bởi nếu căng người phân luồng thì sợ bỏ lọt vi phạm, mà tập trung tuần tra xử phạt lại thiếu nhân sự điều tiết giao thông. Lực lượng chức năng dù bố trí ngoài cảnh sát giao thông, còn có cảnh sát xã, phường, an ninh trật tự địa bàn tham gia. Nhưng cũng không thể rải hết người để kiểm tra tất cả các tuyến đường giao thông. Ngoài việc có mặt của lực lượng chức năng thì việc ứng dụng công nghệ giám sát, hệ thống GPS, hệ thống camera “phạt nguội” thông báo xử phạt nhà xe vi phạm vẫn còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân được xem như căn bệnh “mãn tính” tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố là nạn “xe dù”, “bến cóc”, xe khách trá hình, đi sai luồng tuyến, dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại của những phương tiện khác. Chuyên gia Phạm Việt Cường nhấn mạnh, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông. Nạn “xe dù”, “bến cóc” dù đã có nhiều quy định nhưng vẫn diễn ra thường xuyên. Vì lợi nhuận, nhiều nhà xe phớt lờ quy định, cố gắng đi nhiều điểm, tạo ra những chỗ thuận tiện nhất cho khách hàng, vì đón càng nhiều lượt khách thì doanh thu càng tăng lên nhiều. Còn từ phía những hành khách, nhiều khi do thói quen họ không muốn đi bộ thêm vài trăm mét để đến đúng điểm dừng đỗ cố định, mà có thể đứng bắt xe bất cứ đâu tiện cho họ.

Nói về quy định pháp luật về các hành vi vi phạm giao thông, PGS.TS Phạm Việt Cường cho rằng, các chế tài xử phạt cũng rất nặng, nghiêm minh, bao phủ được nhiều trường hợp. Tuy nhiên với những địa bàn lớn như TP. Hà Nội, TP.HCM thì lực lượng chức năng không đủ để có thể bao phủ hết, không đủ người để đi kiểm tra, giám sát, cưỡng chế... các trường hợp vi phạm.

Thời điểm này, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn là điểm trung chuyển của hàng triệu phương tiện từ khắp các địa phương, cần có phương án phân luồng từ xa, điều tiết lượng xe để giảm thiểu áp lực ùn tắc cho Thủ đô là một bài toán khó cho ngành giao thông. Qua những nghiên cứu, PGS.TS Phạm Việt Cường cho rằng các đô thị, thành phố lớn cần có phương án cụ thể để phân bổ giao thông và giảm ùn tắc, nhất là những thành phố có mật độ giao thông lớn như Hà Nội, TP.HCM ... Theo ông Cường, một trong những việc cần thiết phải làm là có những số liệu cập nhật, thống kê dự báo về khoảng thời gian lưu lượng tăng lên nhiều. Trên cơ sở số liệu thực tế sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được, tránh ra đường vào thời điểm ùn tắc.

Dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2024 được dự báo lưu lượng người và phương tiện giao thông sẽ tăng mạnh, tạo áp lực lớn cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Để phòng ngừa tai nạn giao thông và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 1300.

PGS.TS Phạm Việt Cường cho rằng Công điện số 1300 là chỉ đạo hết sức kịp thời trong thời điểm này. Đây là căn cứ để các bộ, ban ngành, UBND các cấp, các lực lượng tăng cường các hoạt động, lên kế hoạch cụ thể, ứng phó 24/7, làm sao đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc ở các đô thị lớn dịp cận Tết. Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Việt Cường đánh giá cao thông điệp của Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Với việc kiên quyết đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, chuyên gia Cường kỳ vọng mọi người dân sẽ nghiêm túc chấp hành mọi quy định khi tham gia giao thông, để thông điệp Lễ ra quân không chỉ là khẩu hiệu, mà trở thành hành động thường xuyên của mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Từ ngày 10/1/2024 đến 9/3/2024, cảnh sát giao thông cả nước sẽ tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý từ gốc các hành vi vi phạm, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn; giảm ùn tắc giao thông dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân 2024. Bên cạnh sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị thì trên hết người dân phải thượng tôn pháp luật, cần có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho cả xã hội./.