Gần 200 tình nguyện viên đến từ cộng đồng dân cư phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, học sinh các trường quốc tế tại Hà Nội, tình nguyện viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống… đã cùng chung tay xây dựng khu vườn giác quan đầu tiên tại Hà Nội.

Vườn giác quan là một không gian được thiết kế nhằm tối đa hóa sự trải nghiệm, giúp mọi người đắm chìm trong thiên nhiên ngập tràn màu sắc, âm thanh, hình dáng, chất liệu và hương vị.

Với sự phát triển của các đô thị dẫn đến sự thiếu hụt các không gian gần gũi với tự nhiên, vườn giác quan sẽ là một mô hình tiên phong trong các không gian xanh đô thị để trẻ em có thể khám phá, vui chơi, học tập và trị liệu, từ đó nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và phát triển toàn diện về nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc sáng tạo cũng như kết nối xã hội.

Khu vườn giác quan của Công viên rừng Bờ vở sông Hồng trồng khoảng 300 cây trồng thuộc 40 loài cây, trong đó có nhiều cây giống bản địa như trứng gà, quất hồng bì, mít, dành dành, phèn đen, hương nhu... Ngoài ra, một số cây khác như cúc tần, trầu không, dâm bụt, phù dung, ngọc lan, hoa hồng... cũng được ươm trồng tại đây nhằm tạo môi trường vườn rừng với các lớp tầng tán phù hợp. Mục tiêu của vườn giác quan là trồng nhiều loài cây đa dạng giúp người dân có thể ngắm nhìn (màu sắc của hoa, lá), ngửi (mùi hương của các loài hoa), nghe (tiếng lá xào xạc) và có thể ứng dụng một cách thiết thực vào cuộc sống hằng ngày như các loại cây gia vị và các loài có tác dụng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe...

Không có gì thú vị hơn khi đi vào một khu vườn nơi ta có thể nhìn ngắm và ngửi mùi thơm của những bông hoa nở rộ, chạm tay vào các phiến lá có hình dạng kết cấu đa dạng, đi chân trần trên những con đường giác quan, thử nếm những hương vị chua, cay, ngọt của hoa, quả… rồi nghe tiếng lá xào xạc trong gió, tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu rả rích… Chị Nguyễn Thúy Hà - 1 cư dân ở Chương Dương bày tỏ.

Năm 2022, Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG) đã khởi xướng ý tưởng thiết kế và kiến tạo không gian vườn giác quan trong tổng thể dự án cải tạo công viên rừng Chương Dương giai đoạn 2. Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - đồng sáng lập TPG cho biết: “Việc đưa vườn giác quan vào Công viên rừng Bờ Vở là giúp cộng đồng, trẻ em và người dân Hà Nội thấy được một mô hình mới, hay nói cách khác là cách tư duy mới mà chúng ta đối xử với không gian công cộng thông qua ngôn ngữ thiết kế Omniscape. Omniscape là một cách mà các nhà quy hoạch Nhật Bản ứng dụng để tạo nên mối liên kết giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là trong không gian đô thị. Mục đích hướng tới không chỉ là tạo nên không gian đẹp để nhìn ngắm mà nó còn mang đến mùi vị, âm thanh, thậm chí có thể sờ, nếm. Đó chính là quy hoạch cảnh quan gắn liền năm giác quan, điều mà các dự án đã và đang thực hiện ở Việt Nam chưa ai làm.

Một số hình ảnh tại buổi trồng cây tại Bờ Vở sông Hồng:

Khu vườn đang dần được hình thành với sự chung tay của gần 200 tình nguyện viên từ cộng đồng dân cư phường Chương Dương, học sinh trường BVIS và UNIS tại Hà Nội, tình nguyện viên đăng ký online… Những sự đóng góp về tài chính và nhân lực đã góp phần hoàn thiện cơ bản không gian vườn giác quan bao gồm: đổ đất các khu chức năng, xây dựng đường đi nội bộ từ gạch tái chế, trồng hơn 50 loại cây, làm hàng rào, cổng và các biển thông tin loại cây trong vườn…

Trong thời gian tới, TPG sẽ tiếp tục hoàn thiện không gian vườn bao gồm: trồng đa dạng các loại cây, thực hành các phương pháp chăm sóc vườn thuận tự nhiên (làm phân ủ hữu cơ, tấp tủ nuôi dưỡng đất…), tạo dựng các góc trải nghiệm kích thích giác quan (trò chơi âm thanh, con đường giác quan, khách sạn côn trùng…) Hy vọng việc thiết kế và xây dựng khu vườn sẽ giúp các em có môi trường học tập, trải nghiệm và đóng góp cho một không gian sinh thái đầy ý nghĩa giữa trung tâm Hà Nội./.