Cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện là chương trình có ý nghĩa đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Với nội dung xoay quanh những dấu chân đã làm nên hòa bình hôm nay, “Khúc tráng ca hòa bình” sẽ không chỉ là những hồi ức về chiến tranh, mà còn giúp khán giả hiểu hơn về cái giá của hòa bình, sau quá nhiều đổ máu và mất mát, hy sinh vì chiến tranh...

Theo Ban Tổ chức, thông điệp về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình sẽ xuyên suốt chương trình “Khúc tráng ca hòa bình”. Đó là, ngay từ buổi đầu dựng nước, với truyền thuyết Thánh Gióng, nỏ thần Kim Quy đến thời kỳ đấu tranh giành độc lập, khẳng định quyền tự chủ với bài thơ “Thần – Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt rồi đến “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, tất cả đều tuyên bố khát vọng hòa bình và quyết tâm bảo vệ nền hòa bình của dân tộc. Đến thời đại Hồ Chí Minh, trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Hồ Chủ tịch đã mở đầu bằng câu “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…”.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 sẽ diễn ra tại các điểm cầu gồm tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), đền Bến Dược (TP. Hồ Chí Minh), Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (Quảng Nam), đền thờ liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) và Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh An Giang.

Với nội dung xoay quanh những dấu chân đã làm nên hòa bình hôm nay, “Khúc tráng ca hòa bình” sẽ có kết cấu gồm 45 mục. Ngoài các tiết mục ca múa nhạc với những bài hát truyền thống, cách mạng… điểm nhấn của chương trình là, mỗi điểm cầu sẽ kể về một câu chuyện riêng, có giá trị lịch sử. Đó là câu chuyện về 33 liệt sĩ đã tìm được danh tính sẽ được công bố trong chương trình. Hay chân dung về đội quy tập hài cốt liệt sĩ tại Campuchia với câu chuyện tìm được hơn 40 hài cốt liệt sĩ trong 6 tháng đầu năm 2022…

Kết cấu nội dung chương trình gồm 3 chương. Trong đó, chương 1 mang tựa đề “Những dấu chân hòa bình” mang thông điệp: Dân tộc ta từ bao đời nay cứ mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, đất nước cần đến hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp các thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân các thế hệ từ thuở dựng nước đến nay đã cất bước và để lại dấu ấn không thể quên về một thời ta đã sống và hy sinh vì hòa bình.

Chương 2 chủ đề “Bài ca không quên” là câu chuyện kể về những con người đã đi qua mất mát của chiến tranh, đường về của những “dấu chân hòa bình” mỗi người mỗi khác. Có người trở về với “dấu chân tròn trên cát”, có người mất hàng chục năm sau đó mới có thể đoàn tụ được với người thân, có người mải miết đi tìm đồng đội cũ… Chúng ta không quên ai, chúng ta hôm nay có mặt ở đây để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Những người còn sống mang trong mình “bài ca không quên” về những người con đã ngã xuống vì hòa bình…

Chương 3 “Khát vọng hòa bình” giúp người xem thấu hiểu hơn về cái giá của hòa bình sau quá nhiều mất mát vì chiến tranh. Bởi thế, các thế hệ giờ đây cùng chung tay bảo vệ hòa bình, khơi dậy động lực cống hiến, hy sinh vì một Việt Nam phát triển phồn vinh, mở ra những cơ hội lớn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mơ ước…

Biên đạo Phùng Khải, Tổng đạo diễn chương trình, cho biết, đây là một sự kiện có quy mô lớn, ê-kíp làm chương trình và số nghệ sĩ, diễn viên tham dự lên tới hàng trăm người. Đặc biệt tại một số điểm cầu tổ chức ở Nghĩa trang Liệt sĩ, phải huy động tới 400-500 người tham gia.

"Tại điểm cầu Hà Nội sẽ hội tụ tất cả những giá trị hòa bình, đồng thời cũng là câu chuyện của những người con Hà Nội xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Đó là hình ảnh xúc động về những sinh viên trực tiếp tòng quân khi chuyến xe chở bộ đội vào Nam dừng lại bên đường. Họ lên đường ra mặt trận với tinh thần tự nguyện cao độ, lời chia tay chỉ được viết vội trong vài phút, khi xe chuyển bánh, những bức thư chia tay, những lời nhắn gửi được để lại bằng những mảnh giấy ném xuống sân ga… Chương trình chắc chắn sẽ để lại trong lòng khán giả những phút giây lắng đọng đầy cảm xúc và rất đỗi tự hào về một phần không thể nào quên của lịch sử” - Biên đạo Phùng Khải nhấn mạnh.

Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng xuyên suốt thế kỷ XX, đất nước lại có 2/3 thời gian gắn với những cuộc chiến – cuộc chiến của những người con đất Việt đã sống, hy sinh để bảo vệ hòa bình. Để tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì hòa bình, tháng 7 hàng năm, những thế hệ đã đi qua các cuộc chiến hay những người được hạnh phúc sống trong thời không dội tiếng đạn bom đều lắng lòng kể cho nhau nghe về những dấu chân đã làm nên hòa bình hôm nay.