Từng nhận được nhiều giải thưởng, tôn vinh trong quá trình công tác nhưng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt với PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức TP. Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế Mặt trận tổ quốc TP. Hà Nội.

Sinh ra ở Nam Định, PGS.TS Bùi Thị An gắn bó với Thủ đô gần 65 năm. Học tập, trưởng thành và tham gia vào các giai đoạn thăng trầm của thủ đô, từ các phong trào vì tiền tuyến “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “phụ nữ 3 đảm đang”, “thanh niên 3 sẵn sàng”, thi đua vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, “Điện Biên Phủ trên không, các hoạt động chi viện cho tiền tuyến... Đặc biệt giai đoạn 1970-1972, nhiều bạn bè của bà ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu ra chiến trường và không bao giờ trở lại.

“Họ đã hy sinh cho đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng để tôi được sống như hôm nay. Tôi thấy biết ơn và luôn cố gắng có trách nhiệm với thủ đô. Tôi được nhân dân Thủ đô nuôi học, tạo điều kiện làm việc, trưởng thành, đó là trách nhiệm tự đáy lòng”.

Nói ra ý kiến của dân, tôi có quyền thẳng thắn!

Bởi được Thủ đô “nuôi nấng” nên khi là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016) của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An được biết đến là nữ đại biểu Quốc hội có những ý kiến chất vấn thẳng thắn, thậm chí không ngại va chạm trên nghị trường.

“Đã xác định là đại biểu của dân, được dân bầu ra tôi phải đại diện cho nguyện vọng chính đáng của dân, phải là cầu nối của dân đến với những cơ quan làm chính sách trong đó có Chính phủ, Quốc hội. Lắng nghe ý kiến của dân là trách nhiệm của tôi. Từ lắng nghe, trên cơ sở phân tích tôi nói ra ý kiến của dân, không vì cá nhân thì tôi có quyền phát biểu thẳng thắn, bất kể vấn đề gì. Tôi xác định phát biểu khách quan, vô tư, trong sáng để trình bày nguyện vọng chính đáng của dân, làm thế nào nguyện vọng đó được kiến nghị, để thậm chí điều chỉnh thay đổi chính sách”, bà An khẳng định “đó là trách nhiệm đương nhiên của đại biểu của dân”.

Khi còn là Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri, nhân dân cả nước bởi những chất vấn, ý kiến thẳng thắn trên nghị trường.

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, bà An đã thẳng thắn chỉ ra sự lãng phí, không tiết kiệm của một số cán bộ nhà nước: “Không phải đi xe sang là có tầm đâu, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp giản dị, nhưng cũng có một số người còn nặng về hình thức. Đề nghị tăng giám sát, công khai chế độ trong phạm vi nào đó để mọi người giám sát”.

Khi được hỏi “Bà có áp lực khi chất vấn các tư lệnh ngành?”, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng “các đồng chí tư lệnh ngành được dân giao trách nhiệm, Chính phủ bổ nhiệm, Quốc hội bầu ra nên đối với tôi họ như nhau. Cái gì làm chưa tốt tôi nêu ra kèm theo giải pháp. Đó không phải quan hệ cá nhân, thích hay không thích. Lúc đầu, có người không thoải mái nhưng sau thấy đúng thì thân thiện”.

Bà An chia sẻ cũng có đồng chí từng đề nghị “đừng hỏi” hoặc “hỏi nhẹ nhàng thôi”. “Tôi không biết thế nào là nhẹ nhàng nhưng tôi hỏi đúng, trao đổi thân thiện, có những đồng chí sau đó muốn nghe ý kiến của tôi. Khi đứng lên phát biểu có thể hơi gai góc, nói để các đồng chí thấy bất cập ngành mình, lĩnh vực mình kèm giải pháp sau thì các đồng chí “OK”.

Đã là Đại biểu của nhân dân thì có sai phải sửa

Thời gian là Đại biểu Quốc hội, có nhiều vấn đề khiến PGS.TS Bùi Thị An phải phân vân, cân nhắc rất kỹ khi xử lý nhưng ấn tượng nhất đó là thời gian Luật bảo hiểm ra điều 60 có hiệu lực, chưa thi hành đã có nhiều ý kiến.

“Chúng tôi bấm nút thông qua rồi mới thấy trên báo chí phản ánh ý kiến của các nữ công nhân, nhất là ở TPHCM kiến nghị làm thế nào để lĩnh tiền trước tiền bảo hiểm chứ đừng để đến 60 tuổi. Có những người nói không biết tôi còn sống đến lúc lĩnh bảo hiểm hay không. Chúng tôi nghe, trao đổi và thấy trong trường hợp này có lẽ phải chỉnh lại”.

Tuy nhiên, đề nghị Quốc hội chỉnh lại là điều chưa từng có tiền lệ, “chưa bao giờ luật vừa thi hành mà có 1 điều khoản phải sửa chữa ngay”. Làm thế nào để thuyết phục Quốc hội là câu hỏi khiến bà An và nhiều Đại biểu quốc hội lúc đó trăn trở.

“Một số Đại biểu Quốc hội nghĩ trong chuyện bấm nút thông qua mình đã không sâu sát. Trước nghị trường tôi nhận cái sai này do Đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi đã không sát tình hình thực tế trước khi bấm bút thông qua. Sau quá trình trình bày và đề nghị xem xét lại kể cả cơ quan soạn thảo, thẩm định, cuối cùng điều 60 được sửa, các đối tượng trong diện điều chỉnh đều cảm thấy hoan hỉ.

“Đó là bài học cho Đại biểu Quốc hội, trước khi bấm nút thông qua phải cố gắng xem thực tiễn thế nào làm thế nào để giá trị bấm nút chuẩn. Đổ vấy trách nhiệm thì không được, tại soạn thảo, tại thẩm định không phải, các đồng chí đã làm hết trách nhiệm. Nhận sai không dễ nhưng lúc đó chúng tôi nghĩ chắc chắn chỉ có nhận sai thì mới được sửa. Tôi nghĩ đã là đại biểu của dân phải thế, đã sai phải nhận và sửa đi thì nhân dân mới được hưởng, mới đáp ứng nguyện vọng chính đáng của dân. Còn nếu cố tình bảo thủ bảo vệ chuyện bấm nút thì không biết hậu họa như thế nào”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ với phóng viên VOV2.

Làm nhà khoa học và Quốc hội đều tốn "nơ - ron" thần kinh như nhau

PGS.TS Bùi Thị An có 50 năm làm khoa học. Bà được ví là chuyên gia “ba trong một” về môi trường; phát triển cộng đồng; giám sát, đánh giá dự án, giảng bài về môi trường và phát triển cộng đồng.

Đến nay nhiều dự án khoa học của bà đã tạo ra giá trị cho động đồng như làm nước tưới rau vùng Lĩnh Nam, làm vệ sinh môi trường trong nuôi bò Phù Đổng, làm bè nổi ở Hồ Thành Công, mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn Hà Nội... Những kiến thức đưa đến người dân tuy đơn giản nhưng bao giờ cũng chú trọng tới môi trường sống, đặc biệt không được ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ bởi theo bà An “ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ sẽ ảnh hưởng tới thế hệ trẻ”.

Năm 2019 Hội nữ trí thức Hà Nội có đề nghị thành phố được chủ trì xây dựng tiêu chí nông thông mới Thủ đô. Ngoài 19 tiêu chí nhà nước quy định, 7 tiêu chí nông thôn kiểu mới, Hội trí thức Hà Nội mong muốn nông thôn thủ đô khác các tỉnh. Trong đó, môi trường sống, giáo dục, văn hoá, đặc biệt quản trị nông thôn phải có đặc thù riêng. Đây là dự án mà PGS.TS còn nhiều trăn trở và ấp ủ dự định thực hiện.

Làm khoa học hay làm Đại biểu quốc hội đều cần chuẩn xác nhưng có một điều thú vị là 2 lĩnh vực này có thể bổ sung cho nhau. PGS.TS Bùi Thị An nhận định, công tác khoa học thực nghiệm cần cụ thể nhưng cũng cần khái quát. Cũng như làm Quốc hội phải gần dân, cụ thể, phải khảo sát thực tiễn nhưng phải khái quát lên không chỉ dân ở một vùng, phải biết ý kiến nào là đa số.

“Làm Quốc hội không thể trả lời tôi không biết lĩnh vực này, không biết thì phải đọc”. Bà An cho rằng, vì có tư duy của người làm khoa học nên tìm hiểu các luật không thuộc lĩnh vực của mình khá dễ dàng. “Còn tốn nơ –ron thì cả làm khoa học và làm Quốc hội đều như nhau, cái gì cũng cần chuẩn xác, trung thực, khách quan”./.