Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 15.836.661 triệu lượt, tăng 41,0% so với cùng kỳ năm 2023 Trong đó, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2024 đạt 1.711.512 lượt khách, tăng 20,5% so với tháng 10/2024, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa tháng 11/2024 ước khoảng 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,0 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 105,0 triệu lượt.. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 758 nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, du lịch biển phát triển đã có phần đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển.

Sở hữu 125 km bờ biển với những bãi cát mịn trải dài, tỉnh Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển, đưa du lịch biển, đảo trở thành sản phẩm chủ đạo. Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp lữ hành tại tỉnh Quảng Nam liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi, liên kết với doanh nghiệp lưu trú và các hãng hàng không để đưa ra gói dịch vụ hấp dẫn. Ông Lê Quốc Việt, chủ khách sạn Santa Sea Villa Hội An, nằm gần biển Cửa Đại, thành phố Hội An cho biết: Trước đây mùa hè, khách nội địa chiếm khoảng 70% đến 80% nhưng riêng năm nay, tỷ lệ 50/ 50, tức là khách nước ngoài đã chịu khó đến với Hội An nhiều hơn, cho nên ở Hội An khá thành công về phát triển du lịch. "Chúng tôi khá thành công trong thu hút khách du lịch. Hy rọng rằng, sau này Chính phủ mở visa thông thoáng hơn, tỷ lệ khách quốc tế đến Hội An sẽ tăng trưởng và ổn định hơn", ông Lê Quốc Việt kỳ vọng.

Mặc dù có lợi thế, nhưng hiện nay việc khai thác du lịch biển, đảo chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều; những bất cập về môi trường, về quy hoạch; vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khác biệt và hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá.

Là tỉnh có ưu thế vượt trội về tài nguyên biển, đảo, năm 2024, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đón 9 triệu lượt du khách, doanh thu 40 ngàn tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho rằng mục tiêu này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của trung tâm du lịch biển đảo có nhiều ưu thế nổi trội như Nha Trang- Khánh Hòa. Ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, các sản phẩm du lịch có tính liên kết các ngành kinh tế khác là thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa như kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản. Phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Mới đây, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã đi khảo sát một số khu điểm, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điểm đến du lịch trên địa bàn huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh, xây dựng các sản phẩm mới khi tàu biển du lịch quốc tế cập cảng quốc tế Cam Ranh. Bước đầu, tỉnh này đã xác định được một số sản phẩm phù hợp như các di tích, điểm du lịch sinh thái, vườn xoài cổ thụ, văn nghệ dân gian...Tuy nhiên, theo phản hồi của các doanh nghiệp chuyên đón khách du lịch tàu biển, sẽ rất khó thuyết phục các hãng tàu biển vì chi phí tăng cao, phải làm các thủ tục khi ra vào bán đảo Cam Ranh.

Không chỉ với tỉnh Khánh Hoà, để du lịch biển đảo nói chung “cất cánh”, cần xây dựng và triển khai các chính sách, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp, theo hướng tăng trưởng xanh, đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam.

Mời nghe phóng sự tại đây