Thời điểm này, các địa phương đang tiến hành Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để cử tri có thể lựa chọn được những người xứng đáng đứng vào vị trí đại diện, nói lên tiếng nói của nhân dân? Phóng viên VOV2 đã phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:

PV: Thưa ông, theo ý kiến của ông, Hội nghị lấy ý kiến cử tri sẽ được thực hiện như thế nào để chắt lọc những ý kiến đánh giá thực chất nhất về các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp kỳ này?

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu: Hội nghị lấy ý kiến cử tri có vai trò rất quan trọng trong tiến trình chuẩn bị nhân sự để ra ứng cử Quốc hội và HĐND các cấp. Đây là hội nghị để cử tri đánh giá lại nhân sự và cũng là diễn đàn để cử tri lựa chọn những người xứng đáng để đại diện cho mình hay không. Để Hội nghị này đạt được hiệu quả, tôi cho rằng, trước khi tiến hành hội nghị, cần thông tin trước cho cử tri về các ứng cử viên, thứ hai là chúng ta phải tôn trọng tất cả các ý kiến kể cả thuận chiều và ngược chiều và thông tin và giải trình lại khi cần thiết. Thứ ba, các ứng cử viên cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc gắn bó với cử tri, trách nhiệm của công dân ở địa bàn nơi mình sinh sống, đặc biệt là với đảng viên. Và tôi nghĩ một điều hết sức quan trọng là bản thân từng ứng cử viên phải cung cấp thông tin về bản thân và trao đi đổi lại để làm rõ những vấn đề của mình mà cử tri quan tâm.

PV: Trên thực tế có những hội nghị lấy ý kiến cử tri diễn ra khá đơn giản và tẻ nhạt, chỉ có vài ý kiến, biểu quyết rồi kết thúc hội nghị. Vậy phải làm gì để cho các địa phương tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri có sức hút với quần chúng nhân dân, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu: Tôi nghĩ rằng cần tăng tính tranh luận, thảo luận, cung cấp thông tin, thậm chí sẵn sàng giải đáp các câu hỏi mà cử tri đưa ra để cử tri hài lòng và sẽ có đánh giá đúng đắn về các ứng cử viên. Có sự trao đi, đổi lại của các ứng cử viên, kể cả trước những lời chất vấn của cử tri thì các ứng cử viên cũng sẵn sàng cung cấp thông tin, trao đổi làm rõ để cử tri thấy được trình độ, năng lực của mình. Mặc dù chưa phải là dịp để vận động bầu cử nhưng trên thực tế, cử tri nơi ở, nơi sinh sống là cử tri hiểu nhất các ứng cử viên, do vậy tôi nghĩ các ứng cử viên phải biến nó là một diễn đàn dân chủ để cử tri lựa chọn những người xứng đáng, đại diện cho mình.

PV: Thực tế có những trường hợp cử tri lựa chọn theo cảm tính. Sự cảm tính đó theo ông là do đâu, có phải là do ứng cử viên thực sự chưa sâu sát với cử tri và cử tri cũng chưa thực sự hiểu rõ, hiểu đúng về họ?

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu: Thực ra cũng có nhiều trường hợp. Có thể cử tri không biết, không có thông tin gì về ứng cử viên nên cũng đồng ý cho xong. Cũng có khi do cử tri chỉ vì hiềm khích cá nhân hoặc vì một lý do nào đó nên đã phát biểu chưa đúng hoặc phủ nhận ứng cử viên dù họ xứng đáng. Những trường hợp này cần phải có sự trao đổi thông tin, phân tích, giải thích để cử tri hiểu rõ, hiểu đúng về các ứng cử viên. Tất nhiên chúng ta phát huy dân chủ lấy ý kiến của số đông và những vấn đề gì chưa hiểu thì cần giải trình. Điều quan trọng nhất đó phải là hội nghị của trao đổi, của thông tin, thảo luận, giải đáp và đối thoại. Khi chúng ta thực hiện được như vậy thì chắc chắn các thông tin sẽ được minh bạch, cử tri cũng sẽ lựa chọn những người xứng đáng để đưa vào danh sách.

PV: Thưa ông, thực tế có trường hợp cử tri đã bầu hoặc không bầu vô căn cứ một ứng viên nào đó đại diện cho mình, đại diện cho nhân dân sau này. Vậy làm thế nào để cử tri có thể có những lựa chọn sáng suốt, tránh tình trạng “bầu cho xong”?

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Tôi nghĩ, trong quá trình vận động bầu cử, bên cạnh tiểu sử tóm tắt, thông tin về chương trình hành động thì thảo luận trong chính buổi vận động bầu cử là hết sức quan trọng. Có ý kiến trao đi đổi lại tất cả những nội dung chất vấn, làm rõ mọi vấn đề cử tri băn khoăn. Với các cán bộ cấp cao, đại diện bộ, ngành, lãnh đạo địa phương thì cử tri có khá nhiều thông tin, nhưng có những ứng cử viên chức vụ chưa cao hoặc làm những công việc có tính chuyên môn sâu thì cử tri hoàn toàn không có hoặc có ít thông tin nên việc tăng cường đối thoại, trao đổi và đưa các ứng viên phù hợp là cách để cử tri thuận lợi cho việc lựa chọn. Một khía cạnh nữa là chúng ta đưa các ứng cử viên về địa bàn phù hợp. Ví dụ cán bộ công đoàn thì phải đưa vào nơi đông công nhân lao động hay cán bộ sinh viên thì phải đưa vào nơi có nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Đại biểu Hội Nông dân thì phải ứng cử vào địa bàn nông nghiệp, nông dân…. Hơn ai hết, số đông cử tri đó có thông tin sẽ hiểu và lựa chọn được các đại biểu xứng đáng. Và các đại biểu đó sẽ được cử tri tin tưởng gửi gắm các nhu cầu, nguyện vọng.

PV: Vâng, xin cám ơn ông!