Gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng tại thời điểm này, hàng loạt doanh nghiệp phải đối diện tình cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh, phải thu hẹp, thậm chí phải ngừng sản xuất, dẫn đến hàng nghìn người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Việc này cũng đồng nghĩa với đời sống của người lao động bị ảnh hưởng lớn, thu nhập giảm sút.

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, đã có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng. Dự kiến “làn sóng” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn quý IV năm nay và quý I năm sau.

Còn theo báo cáo của Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 441 (331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 75%) với tổng số gần 625.000 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp và hơn 88% tổng số lao động bị ảnh hưởng).

Chia sẻ sau chuyến khảo sát thực tế mới đây tại các tỉnh thành phía Nam, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, hầu hết các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm về công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Cần Thơ….đều có tình trạng cắt giảm nhân sự, chủ yếu xảy ra ở những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, quần áo, da giầy, đồ dùng điện tử.

Phân tích nguyên nhân, TS Vũ Minh Tiến cho rằng, làn sống cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên là do tình hình biến động chung của thế giới dẫn đến biến động thị trường đã tác động đến các hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp.

Thậm chí có những đơn vị còn không cả có đầu vào để sản xuất. Có thể nói là cả đầu vào và đầu ra đều rất khó đối với rất nhiều doanh nghiệp. Trong khi Việt Nam lại làm gia công rất nhiều.

Những khó khăn của đại dịch covid- 19, người lao động vẫn chưa kịp gưỡng dậy thì giờ đây làn sóng thất nghiệp ập đến khiến họ đứng trước tình cảnh giảm thu nhập, thậm chí mất việc khi những ngày cuối năm cận kề. Ông Tiến cho rằng, đây thực sự là một khó khăn kép.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Tiến, việc phải cắt giảm nhân sự cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Không doanh nghiệp nào muốn cắt giảm lao động cả đâu, trừ trường hợp hãn hữu thôi. Vì có thế bây giờ sản xuất kinh doanh đình trệ không xuất khẩu hàng được, nhưng mấy hôm nữa có đơn hàng lại không thể lao động thì cũng không thể xoay xở kịp. Chính bởi lý do này, nên dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng hiện các doanh nghiệp, chủ lao động vẫn cố gắng tìm ra những phương án tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Có nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hết phép năm 2022 cho người lao động và tiếp tục ứng phép năm 2023 để giữ chân họ ở lại doanh nghiệp và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này để chờ đợi các đơn hàng mới trong thời gian tới.

Ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, TS Vũ Minh Tiến cũng khẳng định đây là thời điểm mà các cấp công đoàn phải nêu cao vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Các cấp công đoàn phải phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt chế độ chính sách, phải công khai cho người lao động, để chính người lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Trước tiên phải bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ các quyền lợi của người lao động trong trường hợp phải giãn, giảm việc làm hoặc mất việc theo quy định của bộ Luật Lao động. Phải thực hiện đúng theo các cam kết của doanh nghiệp với lao động thông qua các thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy quy chế hoặc các cam kết khác. Ngoài những quyền lợi này, TS Vũ Minh Tiến cũng lưu ý phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề lương thưởng cuối năm. TS Vũ Minh Tiến đề xuất, nên tính tiền thưởng Tết theo tỷ lệ tháng mà người lao động đã làm cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó các cấp công đoàn phải phối hợp với nhau để giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là trong các lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng để người lao động có cơ hội tìm việc làm mới.

Dịp này Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã phát động chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” và nhiều hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2023 đến các cấp công đoàn để cùng hướng về người lao động.

Không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng Tết

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tăng cường giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, Sở LĐ-TB-XH thành phố sẽ tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, nhất là việc thanh toán, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong tháng giáp Tết nguyên đán.

Liên đoàn lao động tỉnh An Giang cũng vừa có thông báo chính thức về việc hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi trường hợp lao động bị mất việc làm do công ty gặp khó khăn về đơn hàng xuất khẩu. Nguồn tiền này được trích từ kinh phí của Công đoàn. Trong đó, Liên đoàn lao động tỉnh hỗ trợ 200.000 đồng, Công đoàn các khu công nghiệp 100.000 đồng và Công đoàn cơ sở công ty hỗ trợ 200.000 đồng. Thời gian hỗ trợ sau khi công ty có thông báo danh sách chính thức số người lao động bị cắt giảm hợp đồng.