Sinh ra không được lành lặn như bao người bình thường khác, người khuyết tật phải chịu những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Hầu hết, họ gặp không rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập, tìm kiếm việc làm, hôn nhân... Thế nhưng, bằng ý chí kiên cường, nhiều người khuyết tật đã vượt qua rào cản để làm đẹp cho cuộc đời.

Người khuyết tật tự khẳng định mình….

Câu chuyện về ông Nguyễn Tiến Công, một người khiếm thị ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, khiến cho bất cứ ai biết tới đều cảm phục. Dù đôi mắt không còn nhưng với đôi tay tài hoa và sự cảm âm tuyệt vời, ông vẫn từng ngày làm nên những chiếc sáo trúc chứa đựng cả đam mê của mình.

Vốn có một tuổi thơ buồn tủi, lớn lên trong trại trẻ mồ côi, nhưng sớm ý thức được những nghiệt ngã của cuộc sống, ông Công luôn cố gắng học tập để có thể tự làm việc, nuôi sống bản thân. Ông ngày đêm ôn luyện và thi đỗ vào trường Đại học Luật Hà Nội. Vất vả vừa học vừa làm, nhưng đến khi tốt nghiệp ra trường, với những khiếm khuyết của cơ thể ông nộp đơn xin việc vào đâu cũng bị từ chối.

Lại với bản lĩnh không khuất phục số phận, ông tiếp tục mày mò thử sức ở nhiều nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau từ bán tăm cho hội người mù, làm chổi chít, đánh giấy ráp cho đến nghề làm hương….

Đến khoảng năm 2005, biết có nhiều người học chơi sáo trúc rồi lập thành từng nhóm giao lưu với nhau, ông Công lại nghĩ: “Mình thổi được sáo, lại có thể làm sáo. Sao mình không phát triển chính khả năng và đam mê của mình, vừa nuôi sống bản thân lại vừa làm đẹp cho đời?”. Và thế là ông quyết định mua trúc về mày mò làm thử vài ống sáo để bán. Dần dà càng ngày càng nhiều người biết và thích sáo ông làm. Cho đến nay ngoài sáo, ông còn làm thêm các loại đàn khác và có nhiều lúc, ông không làm kịp theo nhu cầu của khách hàng. Ông Công chia sẻ “Nếu người bình thường làm sáo có 2-3 công đoạn thì người khiếm thị mất tới 7-8 công đoạn nên rất mất thời gian”.

Hiện nay cùng với việc làm sáo trúc, ông Công vẫn tiếp tục duy trì nghề làm hương sạch, nên nguồn thu nhập tương đối ổn định, tạo đầy đủ điều kiện cho 2 người con ăn học bằng bạn bằng bè. Với ông đó cũng là niềm vui lớn nhất lúc này.

Câu chuyện khởi nghiệp đối với những người bình thường đã khó, với người khuyết tật lại càng khó khăn gấp bội. Với suy nghĩ “Những người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội, mà vẫn có thể tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời”, anh Đỗ Văn Chiến ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng được xem là tấm gương điển hình về người khuyết tật luôn biết vượt qua những trở ngại để làm giàu bản thân và sẵn sàng “cưu mang” cho những người có hoàn cảnh giống mình. Anh Chiến mắc bệnh bại liệt từ nhỏ và phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật mới có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Hơn ai hết anh Chiến thấu hiểu những khó khăn mà người như anh gặp phải khi xin việc.

Cũng giống như ông Công, anh Chiến từng phải trải qua rất nhiều công việc khác nhau để mưu sinh trước khi gắn bó với nghề chế tác kim hoàn. Cách đây 15 năm, khi nghề kim hoàn lúc đó chưa được nhiều người quan tâm, anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư theo học nghề. Sự khéo léo, thông minh cộng với đức tính cần cù và ham học hỏi, sau vài năm năm theo học, anh Chiến đã có thể thành thợ và thực hiện được những sản phẩm kim hoàn thủ công tinh xảo, mẫu mã phong phú. Nhờ đó cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá. Thậm chí khi cơ sở chế tác kim hoàn của gia đình đã vững vàng, anh Chiến còn nhận dạy nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm cho hàng chục người khuyết tật khác.

“Với tôi chế tác kim hoàn luôn là một công việc thú vị khi được tự tay mình tạo ra những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ, làm đẹp cho mọi người và cho cuộc sống”, anh Chiến trải lòng.

Lắng nghe - cải thiện chính sách - tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật

Tại Việt Nam, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và người dân luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật Người khuyết tật và các Luật chuyên ngành khác như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Xây dựng, Luật giao thông, Luật trợ giúp pháp lý...

Năm 2014 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, năm 2019 phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm; phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Incheon về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi cho biết: Số lượng người khuyết tật tại Việt Nam được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng.

Đến nay cả nước đã thành lập được 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc. Giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cũng đặc biệt quan tâm giai đoạn 2012- 2022, bình quân mỗi năm có từ 17.000 - 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Hiện cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm, bình quân mỗi năm các trung tâm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%.

Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, trong đó có cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, giai đoạn từ 2012 - 2020, ước tính có khoảng gần 39 ngàn người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, v.v… Các chính sách khác như: miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui chơi giải trí vẫn được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội - bà Dương Thị Vân, cho đến thời điểm này, nhận thức của toàn xã hội và của người khuyết tật về vấn đề hòa nhập khuyết tật đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Cách tiếp cận vấn đề khuyết tật được chuyển dần từ mô hình từ thiện sang mô hình xã hội. Bằng kiến thức, kinh nghiệm thực tế, các tổ chức của người khuyết tật và Hội Người khuyết tật Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, tập trung tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách hỗ trợ người khuyết tật của Nhà nước và thành phố tơi người khuyết tật.

Về phía Hội Người khuyết tật Hà Nội, trong thời gian qua đã triển khai rất nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, trong đó đặc biệt phải kể tới các chương trình tạo việc làm, hướng nghiệp, tập huấn năng cao năng lực cho người khuyết tật.

“Các cơ sở đã tăng cường hỗ trợ, tư vấn dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho hội viên người khuyết tật đặc biệt là thanh niên và phụ nữ khuyết tật; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho người khuyết tật làm kinh tế”. Ngoài những cơ hội này, theo bà Vân, Hội Người khuyết tật Hà Nội còn phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên, với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh & dịch vụ để tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc. Khuyến khích người khuyết tật khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, thu hút lao động là người khuyết tật.

“Rất nhiều năm làm trong lĩnh vực người khuyết tật, cá nhân tôi thấy rất vui khi thấy người khuyết tật tham gia vào hội rất tự tin để hòa nhập xã hội. Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều nụ cười trên môi người khuyết tật, bà Dương Thị Vân chia sẻ.

Vẫn còn những rào cản….

Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

“Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đặc biệt là sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật người khuyết tật trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi bổ sung và đề xuất những nội dung liên quan đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm… để phù hợp với Công ước và thực tiễn”, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hồi cũng mong các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục quan tâm đảm bảo chính sách, pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật được thực thi. Và tin rằng, với nhận thức ngày càng sâu sắc tinh thần của Công ước về quyền của người khuyết tật, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được kết quả thiết thực trong việc xây dựng một xã hội không rào cản thực sự. Đó là cơ hội để người khuyết tật được bình đẳng, sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội.

Nhấn mạnh chủ đề của Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay là "Đổi mới vì một thế giới bình đẳng và hòa nhập cho người khuyết tật", bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo ra một môi trường làm việc hòa nhập với các đối tác chính phủ và doanh nghiệp để khai thác hiền tài trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã chủ động nâng cao sự đa dạng trong đội ngũ cán bộ với việc tuyển dụng 7 nhân viên là người khuyết tật, trong đó có 2 người làm việc tại UNDP.

Với sự hỗ trợ thích hợp, các cán bộ là người khuyết tật của UNDP làm việc năng suất và hiệu quả tương đương các đồng nghiệp khác. Các kiến thức, kỹ năng và ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp là người khuyết tật đã mang lại giá trị lớn cho việc thiết kế, thực hiện các chương trình của UNDP.

40 năm trước, năm 1982, một sự kiện quan trọng đối với người khuyết tật trên toàn thế giới đó là, cùng với việc khởi động Thập kỷ về người khuyết tật 1983-1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 3/12 hằng năm là Ngày Quốc tế người khuyết tật nhằm cổ vũ, thúc đẩy, kêu gọi thế giới hướng về những người thiệt thòi, khó khăn do tình trạng khuyết tật và cùng chung tay cho mục tiêu “một xã hội không rào cản”. Từ đó đến nay, mỗi năm với một chủ đề khác nhau, ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12 hàng năm không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm mà còn mang lại sự chia sẻ, tình cảm ấm áp cho người khuyết tật trên toàn thế giới.