Phá rừng vẫn diễn biến phức tạp
Nước ta rất nỗ lực trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng và đã đạt được nhiều thành tựu, tỷ lệ độ che phủ rừng đã nâng lên 42%. Tuy nhiên, theo ông Tô Văn Tám, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, diện tích rừng bị thiệt hại vẫn ở mức đáng lo ngại. Ông dẫn chứng số liệu từ năm 2011 đến nay đã có hơn 22.800 ha bị thiệt hại, trong đó rừng bị cháy là khoảng 13.700 ha, còn lại là do chặt phá trái phép.
Số liệu từ các địa phương cũng cho thấy, mỗi năm vẫn có nhiều héc-ta rừng bị chặt hạ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 225 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, 134 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại 31,28 ha. Diện tích rừng bị phá tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2023; Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy cũng diễn biến phức tạp tại tỉnh Đắk Lắk. Tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2024, riêng Công ty Lâm nghiệp Krông Bông đã phát hiện và lập hồ sơ 478 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 341 vụ phá rừng với diện tích 90,819 ha; 118 vụ lấn, chiếm rừng trái phép; Vấn nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng có chiều hướng gia tăng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 132 vụ, khiến hơn 20 ha rừng bị phá. Trong số này, có những vụ - rừng bị phá là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ với nhiều cây gỗ quý, kích thước lớn bị đốn hạ; Tại tỉnh Quảng Trị, dù mới chỉ rà soát 5 đơn vị là các khu bảo tồn nhưng Chi cục Kiểm lâm của tỉnh đã phát hiện hơn 5.300 ha đất rừng bị xâm lấn. Đây cũng là địa phương vừa xảy ra những vụ rừng tự nhiên bị chặt phá không thương tiếc. Hàng trăm cây gỗ quý với đường kính từ 80 - 100cm, cao 30 - 40m bị đốn hạ hàng loạt trên diện tích gần 1,55ha…
Không chỉ suy giảm về diện tích, chất lượng rừng cũng khiến các chuyên gia và những nhà hoạch định chính sách lo lắng. Theo ông Tô Văn Tám, độ che phủ rừng, dù cao nhưng chất lượng rừng chưa cao. Số liệu cho thấy tỷ lệ rừng giàu đóng tán mới khoảng 4,6%, rừng nguyên thủy còn khoảng 10%... Thực tế này dẫn đến nhiều hệ lụy. “Rừng thiệt hại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như mất đa dạng sinh học, giảm giá trị tự nhiên và văn hóa của rừng, thay đổi khí hậu, xói mòn đất và là một trong những tác nhân của hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường như hạn hán, lụt lội, lũ quét, sạt lở,…”, ông Tám bày tỏ.
Ông Tám cho rằng cùng với nạn chặt phá, rừng còn chịu tác động bởi hoạt động chuyển mục đích sử dụng. Để khôi phục lại một khu rừng đã mất hoặc chuyển đổi phải mất hàng thập kỷ. Dẫu vậy, không phải địa phương nào cũng có đủ quỹ đất để trồng rừng thay thế.
Cần kiểm soát nghiêm ngặt việc khai thác rừng
Trước thực trạng đáng lo ngại này, ông Tô Văn Tám kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm có các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng. “Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tiến hành giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế. Chính phủ cần thực hiện đánh giá hiệu quả tác dụng của độ che phủ rừng đối với vấn đề đa dạng sinh học, môi trường rừng, tác động phòng chống biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ quét, sạt lở, tác dụng giữ nước và đời sống văn hóa của rừng; Kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế - xã hội có chuyển đổi rừng theo hướng chỉ những dự án cần thiết và những dự án quan trọng phục vụ cộng đồng, những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, phải trồng rừng thay thế có chất lượng, hiệu quả trước khi cấp phép lấy rừng”, ông Tám kiến nghị.
Ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng rừng. Ông cho rằng rừng trồng hiện nay chủ yếu là những cây có chu kỳ khai thác ngắn, khả năng giữ đất không cao, thiếu tính bền vững. “Đến địa phương nào cũng nhận thấy màu xanh của rừng là không bền vững, chủ yếu là keo, bạch đàn đều là những cây có khả năng giữ đất không cao, với chu kỳ khai thác ngắn, có khi chỉ 3 đến 5 năm núi đồi lại trọc”, ông Hiếu nêu thực tế.
Để ngăn chặn sự suy giảm diện tích và chất lượng rừng, ông Hiếu cho rẳng các địa phương cần thay đổi cách làm, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để triển khai kế hoạch trồng rừng theo từng địa phương, từng địa hình, địa lý khác nhau. Các địa phương nên tăng cường trồng cây bản địa, những cây lâu năm, nếu vẫn cần khai thác kinh tế thì có thể quy hoạch những vùng trồng cây sản xuất ở phía dưới, còn phía trên đỉnh núi là những cây lâu năm, cây bản địa.
Ông Hiếu cũng lưu ý việc quản lý, khai thác rừng. “Việc khai thác tài nguyên, đặc biệt là những đại dự án ở vùng lõi, vùng dự trữ sinh quyển rất cần rà soát cẩn thận, đánh giá tác động môi trường khách quan, công tâm. Khi những nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo thì chúng ta phải cần phải thận trọng. Việc khai thác gỗ tự nhiên cần chấm dứt, tuyên truyền để thay đổi sở thích sập gụ, tủ chè, bình hứng lộc làm bằng gỗ nguyên khối tự nhiên của người Việt Nam. Cần nghiêm trị những hành vi phá hoại môi trường cho dù là nhỏ nhất, như trồng cây mà vẫn còn nguyên mộc hay cây còn có khả năng cứu mà chặt đi để xin ngân sách trồng mới”, ông Hiếu kiến nghị.
Là kỹ sư trồng trọt, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Thi cũng trăn trở trước thực trạng rừng bị xâm hại. Ông cho rằng thiệt hại mà con người phải gánh chịu thời gian qua có mối liên hệ mật thiết với nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Để phát triển bền vững, đồng thời hạn chế những sự việc như đã xảy đến sau bão Yagi, Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ rừng. “Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, thiên tai ngày càng khốc liệt bất thường, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn”, ông Thi bày tỏ.
Khoa học và thực tế đã chứng minh rừng không chỉ là lá phổi xanh của trái đất, cung cấp nguồn sống cho chúng ta, mà còn là tường thành, lá chắn tự nhiên vô cùng quan trọng che chở con người khỏi thiên tai. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ sự sống và tính đa dạng của trái đất.
Nghe bài viết dưới đây: