Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; Ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học. Đây là 4 mục tiêu được đề ra trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ về “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; trong đó, xác định rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thực hiện Chiến lược quan trọng này. Đó là: “Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo dựa trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, khoa học công nghệ hiện đại, nguồn lực chất lượng cao và những tri thức tích lũy được từ cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển, đảm bảo phát triển kinh tế biển xanh. Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo là quyền lợi, trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động trên biển và phải gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”.

"Chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam", nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Hiện nay, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền trên biển và khu vực Biển Đông. Trong nước, kinh tế vĩ mô về cơ bản phát triển ổn định, bền vững; trong đó, phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn, bảo vệ môi trường biển đã, đang trở thành xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu; an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên biển vẫn là những khó khăn, thách thức lớn, v.v. Điều đó cho thấy, quan điểm của Đảng trong “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là hết sức khoa học, kịp thời, vừa đáp ứng được những yêu cầu trước mắt, vừa có tính chiến lược, lâu dài. Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia; đồng thời, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ cụ thể, nhằm từng bước hiện thực hóa Nghị quyết.

Mời nghe phóng sự tại đây