Trong hành trình phát triển của đất nước, quân đội nhân dân Việt Nam đã làm vẻ vang thêm truyền thống của dân tộc. Cho đến hôm nay, lực lượng vũ trang nhân dân nước ta, luôn kế thừa và phát huy truyền thống quân sự của dân tộc vừa chiến đấu vừa xây dựng để đất nước ngày càng phát triển. Truyền thống hào hùng ấy cần được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau qua những câu chuyện kể về lịch sử chiến đấu. Để có thể tiếp tục gìn giữ và phát triển truyền thống hào hùng ấy, các thế hệ sau cần hiểu rõ về quá trình bảo vệ Tổ quốc qua những câu chuyện kể lại. Chính vì thế, các cựu chiến binh như thượng tá Nguyễn Đức Thành, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái đã luôn gìn giữ và chia sẻ cho các thế hệ sau những kinh nghiệm quý báu qua các trận đánh, để khơi gợi tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc qua những câu chuyện kể về lịch sử chiến đấu trước đây.
Lịch sử được truyền lại, được thế hệ trẻ tiếp nhận qua những câu chuyện kể về các cuộc chiến đấu, về những sinh hoạt đời thường của những người lính năm xưa. Những câu chuyện thực tế đã biến những con số khô khan thành những bài học sinh động, chân thực dễ tiếp thu cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào cho các thế hệ mai sau. Đại tá Phan Hường, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Tư lệnh Pháo binh khẳng định, đây có thể là bước sang giai đoạn mới để con cháu chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử chiến tranh. Ông Hường mong rằng, nhiều sự thật lịch sử sẽ được nói đến để cho các thế hệ sau hiểu rõ hơn và tiếp cận đầy đủ về những sự kiện lịch sử, hiểu và nhận thức về lịch sử không phải là gây hận thù mà để sau này giữ gìn mối quan hệ làm thế nào để không phai mờ hình ảnh người cựu chiến binh và truyền thống bộ đội Cụ Hồ.
Những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cần thường xuyên được nhắc nhở vì có rất nhiều bài học về chiến lược quân sự cũng như những tấm gương hy sinh anh dũng. Đây là điều mà nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 Đặng Quân Thụy khẳng định, bây giờ chúng ta nhắc lại lịch sử không phải để khơi gợi hận thù mà chúng ta đã chuyển sang giai đoạn mới mà nhắc lại để hiểu đúng về lịch sử quân sự vì đây là cả một giai đoạn nên có rất nhiều những bài học quân sự, những chỉ đạo chiến lược, quan hệ quân dân, nghệ thuật tác chiến…. rút kinh nghiệm về lịch sử để để lại cho con cháu những bài học sống động về bài học bảo vệ Tổ quốc.
Nhờ được trưởng thành trong chiến đấu nên những người cựu chiến binh trong thời bình luôn thể hiện vai trò gương mẫu cùng tinh thần không ngại khó khăn trong các hoạt động cộng đồng. Khi rảnh rỗi,cựu chiến binh Vũ Văn Hương, Sư đoàn 345 Quân đoàn 29 lại tổ chức những buổi nói chuyện với các cháu học sinh trong khu phố và bằng những câu chuyện lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu được sự hy sinh, cống hiến của của thế hệ cha ông.
Những người lính cựu luôn mang trong mình dòng máu nhiệt huyết và họ chính là những người truyền lửa cho thế hệ trẻ. Việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau được tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi ở từng địa phương. Thông qua các hoạt động như tìm hiểu lịch sử qua các cuộc thi, tham quan khu di tích lịch sử, chăm sóc nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ… đã góp phần khẳng định lịch sử hào hùng của dân tộc với những cống hiến lớn lao và sự hy sinh cao cả của cha ông. Thông qua đó, góp phần dồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.