"Không thể sống mãi bằng sự hỗ trợ"

Lò Văn Hinh bật dậy khỏi tấm lán đặt góc nhà khi nghe thấy tiếng người lạ. Hinh quê ở Tuần Châu, Sơn La, xuống Hà Nội làm thợ xây được gần một tháng thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Tốp thợ 9 người của anh, ngày ngày ăn ngủ tại chỗ ở tạm của công trường đóng trên địa bàn phường Phương Mai, quận Đống Đa.

"Ăn uống thì anh trưởng nhóm thuê mình bỏ tiền ra nuôi quân. Chứ giãn cách không làm gì được thì không có lương" - Hinh chỉ vào người trưởng nhóm đang đốt điếu thuốc lào bên cạnh kêu sòng sọc.

Tiếng điện thoại kêu. Hinh mở zalo và nói chuyện bằng tiếng dân tộc Thái. Theo như lời Hinh "phiên dịch" thì vợ hỏi khi nào về, cà phê đến vụ rồi. Nhà Hinh có 1ha cà phê.

"Tôi mong về lắm chứ. Nhưng Hà Nội giãn cách tiếp, chưa có chủ trương về, mới rà soát thôi" - anh cập nhật tin tức mỗi ngày nên nắm rất rõ.

Ngày 13-8, Công an TP Hà Nội đã ban hành công văn số 6017/CAHN-PV01-PC06 yêu cầu công an các quận, huyện, thị xã nắm tình hình người dân, học sinh, sinh viên đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP có nhu cầu, nguyện vọng trở về quê. Đồng thời nắm tình hình người dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hiện đang tạm trú tại các địa phương khác có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng trở về Hà Nội (thông qua việc cung cấp thông tin từ gia đình, người thân…).

Theo Công an TP. Hà Nội, việc rà soát này để nắm tình hình, từ đó tham mưu với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch, chứ đây chưa phải là chủ trương của UBND TP.

Người dân trên địa bàn Thủ đô cho rằng việc rà soát này là cần thiết. "Thứ nhất là nắm tâm tư nguyện vọng của người dân, thứ hai là chính quyền chủ động được các phương án khi cần thiết thì tổ chức đưa người dân về các địa phương chứ không để tự phát, vỡ trận" - ông Nguyễn Văn Minh (quận Đống Đa) bày tỏ.

Những ngày qua, bằng các hình thức tuyên truyền khác nhau như: Tổ dân phố thông báo trực tiếp trên loa hoặc thông qua mạng xã hội để gửi thông tin đến người dân trong tổ/ phường.

Bà Lê Thị Then - Cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm thông qua việc rà soát lập danh sách đối tượng nhận hỗ trợ của Thành phố, bà sẽ thông báo cho người dân ai có nhu cầu về quê hoặc người thân có nhu cầu trở về Hà Nội. "Đối tượng nhận hỗ trợ là hộ kinh doanh đóng cửa hàng, người lao động không có việc làm, sinh viên...nên tôi sẽ thông báo luôn cho họ chủ trương của Thành phố và nhắc họ đến công an phường để làm thủ tục đăng ký"- bà Then cho biết.

Lò Thị Tinh quê ở Yên Bái, cũng xuống Hà Nội làm phụ hồ. Được bà Then thông báo, Tinh cùng anh chị em khác mừng lắm. "Em nhớ con lắm rồi"- Bé thứ nhà Tinh đang học tiểu học, ngày nào cũng gặp mẹ qua màn hình điện thoại.

Hai tuần giãn cách rồi lại hai tuần giãn cách nữa, cuộc sống của thợ xây như Tinh phụ thuộc vào hỗ trợ của phường và các mạnh thường quân. Tinh nhẩm tính: "Em 2 lần ra phường nhận gạo, rau, thịt rồi này. Ăn có thể dè xẻn hơn trước nhưng không ai bị đói cả. Nhưng bọn em cũng không thể sống mãi bằng sự hỗ trợ được" - Tinh mong muốn được về quê.

Tin tưởng vào công cuộc chống dịch của Thành phố

Người dân không quá bất ngờ khi Hà Nội tiếp tục giãn cách đến 6h00 ngày 6/9. Trước đó Hà Nội cũng đã tháo gỡ khó khăn cho người dân khi làm thủ tục nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (Phương Mai, Đống Đa) có 4 người, cả tháng nay nhìn mặt nhau trong 4 bức tường. Chồng chạy xe ôm, vợ bán thịt xiên đầu ngõ, 2 con cũng đi bán hàng thuê ở các sạp. Chị Hoa than thở: "Nhìn mặt nhau phát chán nhưng chán nhất là không làm ra tiền". Cả 4 người trong gia đình chị Hoa đều trong diện nhận hỗ trợ.

Ngoài công tác rà soát nhu cầu về quê của người dân sống trên địa bàn Thành phố, Hà Nội cũng đẩy mạnh chi trả tiền hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó các chương trình từ thiện của các hội/nhóm/ cá nhân cũng đang lan tỏa. Ở đâu có người khó khăn, ở đó có những người hỗ trợ.

Nguyễn Thanh Nga - mới tốt nghiệp ra trường, đang thử việc ở một công ty. Dịp này Nga ở nhà làm online. Quê Nga ở Nghệ An cũng đang căng mình chống dịch nên em không thể về quê. "Ai ở đâu cứ ở yên đấy, bố em bảo thế. Mẹ em ở quê cũng đi cách ly tập trung do liên quan đến một ca F0"- Nga kể.

Việc mua bán thực phẩm ở Hà Nội cũng không quá khó khăn. Thi thoảng em lại được bạn bè hỗ trợ bằng cách đưa thực phẩm đến tận cổng.

Chiều 20/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì họp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thông tin về công tác cung ứng hàng hóa cho người dân, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan đánh giá, qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.

Quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gấp 7 lần so với thời điểm Hà Nội triển khai các chương trình bình ổn hàng năm. Đồng thời, mở thêm hơn 472 điểm bán hàng thiết yếu của bưu điện, 800 điểm của VNPost và 81 điểm của ViettelPost. Các quận, huyện cũng triển khai nhiều hình thức bán hàng lưu động, hiện nay, có 9 địa phương triển khai với nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng.