Đặng Thế Lâm – chàng kỹ sư công nghiệp - từ lâu được biết đến là người có nhiều hoạt động tích cực vì cộng đồng nhất là với người yếu thế trong xã hội. Lâm cho biết: Khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa, tôi hay đi làm tình nguyện, dạy học cho trẻ em ở bãi giữa sông Hồng. Càng dạy, tôi càng thấy thích và yêu công việc này. Sau đó, tôi và bạn bè cùng nhau thành lập một tổ chức phi chính phủ mang tên “Việt Nam và những người bạn” để thỏa mãn niềm đam mê hoạt động vì cộng đồng, Lâm cho hay.
Sau một thời gian đồng hành cùng người khiếm thị, Đặng Thế Lâm nhận thấy ở họ luôn có sự vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Tuy nhiên, hầu hết người khiếm thị đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Điều này đã thôi thúc anh thực hiện ý tưởng xây dựng dự án thư viện sách nói mang tên “open road” miễn phí trên điện thoại thông minh để thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị và người sáng mắt.
Sau gần 3 năm triển khai với sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ tình nguyện viên, đến nay dự án đã có 850 đầu sách nói gồm nhiều thể loại từ lịch sử, văn học, danh nhân hay các lĩnh vực khoa học… Mục tiêu của dự án là thu được 1.000 đầu sách trong vòng 1 năm nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thu âm sách cũng gặp một vài khó khăn về tiến độ.
“Open Road” có thể coi là đôi mắt của người khiếm thị, bởi vậy tôi phải trực tiếp trải nghiệm thì mới có thể truyền tải đầy đủ tinh thần và mong muốn của người khiếm thị vào từng đầu sách. Mục tiêu là để nâng cao năng lực về giáo dục, văn hóa đọc cũng như kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị và người mắt sáng” – Đặng Thế Lâm chia sẻ.
Để duy trì hoạt động của dự án, anh còn quyết định đạp xe xuyên Việt từ Hà Giang đến Cà Mau trong vòng 60 ngày. Anh cho rằng đạp xe xuyên Việt không phải là một chuyến đi khám phá, du ngoạn mà mục đích là để gây quỹ duy trì cho các dự án sách nói và gặp gỡ những người khiếm thị trên cả nước, nghe họ kể về cuộc đời mình. Qua đó, tôi được trải nghiệm cuộc sống thực tế về người khiếm thị ở các tỉnh xa xôi đặc biệt là vùng núi, dân tộc thiểu số. Tới đây, Đặng Thế Lâm dự định thực hiện dự án “Tổ ong” – Nâng bước tới trường cho trẻ em và người khiếm thị ở vùng cao.
Thực hiện dự án khi còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự chung tay của mọi người đã khiến hành trình mang ánh sáng tới người khiếm thị của anh Đặng Thế Lâm không hề cô đơn. Cho dù có đi ngược chiều với suy nghĩ của nhiều người thì Đặng Thế Lâm vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được sống với niềm đam mê vì cộng đồng của mình./.