Việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet, mạng xã hội đã được phản ánh, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn xuất hiện ngày càng nhiều với các phương thức, thủ đoạn tinh vi. Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc của HST Consulting - một doanh nghiệp tư vấn về công nghệ và chuyển đổi số cảnh báo về một chiêu thức phổ biến thời gian gần đây.
Theo ông Thanh Tùng, các đối tượng sẽ mời những người có ý định đầu tư qua mạng thực hiện kinh doanh. Số tiền bỏ ra ban đầu rất nhỏ, có thể chỉ là 100.000đ để nhập hàng bán, có gian hàng điện tử hẳn hoi.
Người tham gia kinh doanh cũng được yêu cầu phải post bài hoặc là chia sẻ về mặt hàng kinh doanh lên trang cá nhân của mình, giống như đang bán hàng thật. Hàng ngày, họ có thể kiểm tra xem doanh số bán hàng thế nào. Hệ thống cũng sẽ tạo ra một vài lệnh mua hàng như thật. Người kinh doanh nhận thấy mình đã bán được vài đơn, kinh doanh online có hiệu quả. Hệ thống cũng trả thù lao đàng hoàng.
Người tham gia cảm thấy việc kinh doanh quá dễ dàng , nên bắt đầu đầu tư số vốn lớn hơn, từ 1 triệu hoặc 10 triệu đồng. Không chỉ bán được hàng, kẻ lừa đảo còn dựng lên một group mà hàng ngày những người tham gia kinh doanh có thể xem được thông tin của người này, người kia. Ví dụ có người chia sẻ “hôm nay tôi đã bỏ ra 500 triệu nhập hàng và đã nhận được lãi là 100 triệu”, kèm theo đó là hóa đơn đã nhận tiền chuyển khoản.
Trong một group mà nhiều người khoe mình kinh doanh có lãi, lại được trả tiền đàng hoàng thì niềm tin lên rất cao. Đồng thời, người tham gia sẽ có cảm giác, nếu như mình không đầu tư thêm mình sẽ bị chậm chân. Lúc này số tiền mà những nạn nhân nộp vào có thể lên tới vài trăm triệu.
Sau đấy, kẻ lừa đảo có một chiêu tiếp theo, vì lý do ngân hàng, vì lý do cần phải có phí xác minh, vì lý do thủ tục cần phải nộp một khoản phí để lấy được số tiền này ra và yêu cầu người tham gia bỏ thêm 100 – 200 triệu để lấy được tổng số tiền. Lúc này số tiền đã nộp vào có thể lên tới tiền tỷ.
Vòng quay đấy cứ lặp lại cho tới khi nạn nhân tỉnh ngộ hoặc đi vay mượn tiền của người thân, bạn bè. Sau khi được cảnh báo thì lúc đấy nạn nhân mới nhận ra trò lừa đảo nhưng đã bị mất số tiền rất lớn.
Ông Thanh Tùng nhấn mạnh, kinh doanh không thể đạt được hiệu quả một cách quá dễ dàng, lãi suất 10% trong 1-2 ngày là điều không thể. Vì vậy, người dân cần phải hết sức cảnh giác. Khi hợp tác làm việc với ai thì phải biết rõ ràng đó là tổ chức đáng tin cậy, có thông tin, có cơ quan quản lý.
Nếu bạn đang có ý định kiếm tiền online thì phải cảnh giác trước những “trái ngọt” hái quá dễ dàng. Bởi đây nhiều khả năng là cái bẫy đang chờ bạn cắn câu.
Nghe chiêu trò lừa đảo kinh doanh qua mạng: