Vợ chồng anh T. là nhân viên văn phòng, thu nhập mỗi tháng không cao, lại đang phải đi thuê trọ nên rất mong mua được một căn nhà ở xã hội để “an cư, lạc nghiệp”. Qua một người quen, anh T. được giới thiệu với nhân viên kinh doanh của công ty Tân Nhật Phát. Nhân viên này báo cho anh T. là chỉ cần mất tiền chênh lệch là có thể mua căn suất ngoại giao. Công ty Tân Nhật Phát sẽ hỗ trợ làm hồ sơ. Tin tưởng, ngày 4/7/2024, anh T. đặt cọc 950.000.000 đồng. Hầu hết số tiền này là do vợ chồng anh T. vay hai bên nội, ngoại.
Công ty Tân Nhật Phát cam kết với anh T. là đến 4/11/2024 sẽ được ký hợp đồng với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nhưng anh T. đợi mãi vẫn không thấy thông tin gì: "Sát ngày, mình giục, họ báo sắp có, đang làm nốt thủ tục. Mình giục rất nhiều ngày, họ cứ vòng vo. Mình yêu cầu giấy tờ chứng minh, họ không có. Dần dần, nhắn tin, gọi điện, họ không trả lời nữa. Mình đến công ty nhưng lúc đến không còn ai nữa. Lại có 1 bác đến thuê nhà bảo họ chuyển đi rồi".

Một nạn nhân khác ở Đống Đa, Hà Nội cũng nhận được những lời hứa “chắc như đinh đóng cột” của bà Phạm Thị Hương - Kế toán trưởng Công ty Tân Nhật Phát về việc mua “suất ngoại giao” của dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn.
"Bà Hương nói với mình có suất mua như thế nhưng không công khai bán được. Suất này chắc chắn có, người ta không dùng đến nên bán chênh. Số lượng rất ít, qua đợt này thì không có đợt khác. Họ đảm bảo làm được hộ khẩu, chuyển khẩu cho hợp thức hóa, mình chỉ việc đóng tiền thôi." - Nạn nhân này kể lại.
Nạn nhân này cho biết, Công ty Tân Nhật Phát giới thiệu trọn gói suất chênh có chi phí là 1,1 tỷ đồng nhưng giảm cho anh 50 triệu. Tuy nhiên, nạn nhân không có tiền ngay, sau khi thỏa thuận, công ty cho anh này đặt cọc 600.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền cọc, họ tiếp tục moi tiền từ nạn nhân với lời hứa hẹn, nếu đóng nốt 450.000.000 đồng còn lại, sẽ được miễn phí 40.000.000 tiền làm hộ khẩu trọn gói và làm hồ sơ đẹp để mua nhà ở xã hội. Nghe theo lời dụ dỗ này, nạn nhân đi vay tiền để nộp nốt cho công ty. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, sự việc công ty Tân Nhật Phát có dấu hiệu lừa đảo vỡ lở.
Mong mỏi có chốn an cư tại Hà Nội, nhiều người đã bỏ hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để mua “suất ngoại giao” nhà ở xã hội theo lời quảng cáo của môi giới. Có những người ban đầu cũng nghi ngờ làm sao lại lắm “suất ngoại giao” như thế nhưng được người quen giới thiệu, hoặc được môi giới cho xem những bằng chứng đã từng sang tên được suất ngoại giao nên tin tưởng và giao tiền. Cũng có trường hợp bị lừa vì không hiểu thủ tục mua nhà ở xã hội.
"Mình thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội nhưng không biết thủ tục thế nào, không nghĩ là phải bốc thăm mà chỉ nghĩ là như nhà ở thương mại, chủ đầu tư giao cho các sàn giao dịch bán, sẽ có các bạn sale tư vấn hồ sơ, giấy tờ phải xin gì, làm ở đâu. Họ cũng tư vấn ra phường, xã xin xác nhận thì mình cũng xin để nộp cho bên ý. Sau thì bạn bảo bên em có suất ngoại giao, lấy tiền chênh 500-600 triệu tùy căn. Mình đồng ý và thu xếp trả 500 triệu luôn." - Anh Th. một nạn nhân của Công ty Tân Nhật Phát chia sẻ về trường hợp của mình.
Sau khi tìm hiểu, anh Th. mới biết chủ đầu tư không liên kết với sàn bất động sản nào. Anh yêu cầu Công ty Tân Nhật Phát trả tiền nhưng không nhận được phản hồi. Sau rất nhiều lần đi đi, lại lại để đòi nợ, anh Th. đã nhận được cam kết trả tiền nhưng từ tháng 10/2024 đến nay, anh vẫn không nhận được số tiền đã đặt cọc.
Tin vào các “suất ngoại giao” tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), N01 Hạ Đình (huyện Thanh Trì), Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm), hơn 20 khách hàng đã nộp tổng cộng gần 19 tỷ đồng vào số tài khoản do bà Phạm Thị Hương là chủ tài khoản. Thế nhưng nhà không thấy đâu, người nhận tiền thì lặn mất tăm và những nạn nhân có nguy cơ mất trắng số tiền đã bỏ ra. Hiện các nạn nhân này đã cùng ký đơn tố cáo Công ty Tân Nhật Phát cùng cá nhân liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội và đang chờ hướng giải quyết của các cơ quan chức năng.
Theo luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hiện nay, lợi dụng nhu cầu lớn và sự thiếu hiểu biết về pháp lý của người dân, nhiều đối tượng đã thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng những thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng có thể chủ động tiếp cận đối với các nạn nhân ở nơi thực hiện các thủ tục hành chính, đưa ra những thông tin gian dối là bản thân mình có mối quan hệ, có thể bán nhà ở xã hội để dẫn dắt nạn nhân là đưa tiền tài sản cho các đối tượng. Các đối tượng cũng có thể lập các tài khoản mạng xã hội, fanpage, website đưa ra thông tin gian dối là có thể là có dịch vụ cung cấp các thông tin cũng như tiếp nhận hồ sơ để giải quyết các thủ tục mua nhà ở xã hội.
"Vì vậy, để tránh bị lừa mua nhà ở xã hội, người dân cần kiểm tra, rà soát, đối chiếu bản thân, hoàn cảnh của mình với các tiêu chí được quy định trong Luật Nhà ở 2023. Nếu không thuộc trường hợp được mua thì các hành vi giả mạo hồ sơ mà các đối tượng hứa hẹn có thể là biến những người có nhu cầu trở thành người vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Nếu thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội, người mua phải tìm hiểu thông tin dự án, quy trình thủ tục như thế nào qua các nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy (cơ quan trợ giúp pháp lý ở địa phương, cổng thông tin của Sở Xây dựng, chủ đầu tư) và tốt nhất là nên trực tiếp thực hiện những việc đó." - Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.