Nghe bài viết tại đây:

Phố Mai Anh Tuấn (Hà Nội) có một địa chỉ bạn có thể tìm thấy trong đó: siêu thị, hiệu sách, quán cafe và nhà hàng.

"Hơn 10 năm tước, tôi đi nghỉ dưỡng thì bị một bạn đập vào đầu tôi. Tôi đặt câu hỏi là tôi có lỗi gì đâu mà bạn ấy đánh. Phụ huynh chạy đến xin lỗi và nói con bị tự kỷ. Và đấy là ngày đầu tiên tôi biết đến từ "tự kỷ" - anh Nguyễn Đức Trung - Giám đốc điều hành Mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam (Vietnam Autism Projects-VAPs) nhớ lại.

Anh Trung bắt đầu tìm hiểu các tài liệu trong nước và quốc tế nói về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. "Não bộ của người tự kỷ - đó là suy nghĩ thẳng. Bạn sống trong một thế giới phẳng, không gian dối, không nói ẩn dụ, không nói bóng bẩy. Ví dụ mình bảo đổ nước là bạn đổ nước. Bạn ấy không biết nước đầy hay nước ít nhưng chúng ta sẽ biết là rót nước vừa thôi, đầy quá là khách uống dễ bị rớt ra ngoài", anh Trung chia sẻ.

Để đào tạo một bạn tự kỷ làm công việc pha chế đồ uống, anh Trung đã bao lần say cafe vì anh sẽ là khách hàng đầu tiên uống cafe do nhân viên pha, cho đến khi thành thạo một bước trong quy trình.

Mở cửa hàng và nhân viên là người tự kỷ không phải ai cũng dám làm. "Tôi nghĩ khi làm cái gì mới thì mình chưa biết khó khăn đâu. Nếu ai biết khó khăn, chứng tỏ là đã có người làm rồi hoặc mình làm rồi" - anh Trung cứ tự làm, tự học một cách không toan tính.

Nhân viên tại đây người làm lâu nhất cũng đã 3 năm. Lê Xuân Tùng (áo xanh, bên trái trong tấm hình trên) đã trở thành “cánh tay phải” đắc lực của anh Trung. Tùng sẽ hướng dẫn các bạn khác làm việc, điều phối nhân viên phục vụ khách tốt nhất.

Mỗi khi có khách, Quang Anh được phân công giới thiệu sách còn Dũng làm nhiệm vụ tính tiền.

Ngoài ra, công ty còn có dự án homestay tại Đông Tác (Quận Đống Đa, Hà Nội). Các em sẽ được đào tạo trở thành nhân viên phục vụ phòng. "Có những công việc không cần lời nói", anh Trung chia sẻ.

Anh Trung cho rằng, các dự án việc làm cho người khuyết tật anh chọn đều là mở. "Chúng tôi hiểu nhóm tự kỷ các bạn ấy cần được hòa nhập, không ai có thể đi kiếm tiền mà chưa hòa nhập được cả".

"Chúng ta phải xây dựng được một mô hình phù hợp đối với các bạn tự kỷ. Không phù hợp thì chắc chắn các bạn sẽ không hạnh phúc được. Ở đây chúng tôi có niềm hạnh phúc, đó là khách hàng nhân văn, nhân viên được sống và làm việc trong môi trường mà các bạn thấy ý nghĩa. Các bạn về nhà được bố mẹ tôn trọng và trân trọng hơn khi các bạn lao động, kiếm được tiền, dù ít hay nhiều" - Giám đốc Nguyễn Đức Trung nêu quan điểm.

Để đảm bảo sức khỏe và tái tạo năng lượng, mô hình kinh doanh của VAPs phục vụ các ngày thứ 3,4,6,7 nghỉ 3 ngày một tuần. Nhân viên sẽ nhận lương theo ngày./.