Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay đã 71 năm. Tuy nhiên, ký ức về một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính cụ Hồ và cựu thanh niên xung phong. Cựu thanh niên xung phong Trần Thị Nhĩ, quê ở tỉnh Thanh Hoá, hiện sống tại phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên là một trong số đó.

Bà Nhĩ tham gia chiến dịch khi mới “18 - đôi mươi”. Bà cho biết, nghe theo tiếng gọi của Đảng đã viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Với sức trẻ, bà được huy động ra tuyến đầu. Nhiệm vụ khi ấy là làm đường, vận chuyển gạo và vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. “Chúng tôi vận chuyển gạo, đạn dược, vũ khí ra tiền tuyến. Giặc bắn phá, cứ chỗ đường bị hư hỏng thì chúng tôi có mặt để san lấp”, bà Nhĩ kể.

Nhớ lại những tháng ngày cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, bà Nhĩ cho biết, khi đó ai cũng muốn được cống hiến sức mình cho tổ quốc. Tinh thần ấy đã được viết thành khẩu hiệu “thanh niên xung phong có thể hy sinh nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”. Không ai bảo ai nhưng điều đó giống như mệnh lệnh từ trái tim của mỗi thanh niên xung phong. Vì thế, thường xuyên phải nằm ngủ dưới hầm ẩm thấp, muỗi đốt, thiếu cơm, phải ăn củ rừng, chấy rận cắn đốt, thậm chí bị sốt rét nhưng không ai ta thán một lời nào.

Bà Nhĩ cho biết, sát cánh với lực lượng chiến đấu, nên những khi không làm nhiệm vụ phá đá mở đường, tải đạn, bà lại tham gia công việc của một y tá nơi chiến trường. “Chúng tôi còn có nhiệm vụ của một hộ lý. Khi chiến sỹ bị thương, chúng tôi hỗ trợ bác sỹ chăm sóc thương binh. Lúc bấy giờ còn trẻ, nhanh nhẹn nên không lúc nào ngơi nghỉ’, bà Nhĩ chia sẻ.

Cứ như vậy, với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, bà Nhĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một thanh niên xung phong. Niềm vui ngày chiến thắng vì thế như vỡ òa cảm xúc. Để rồi đến tận bây giờ - sau 71 năm, khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ bà vẫn thốt lên những lời đầy tự hào và hạnh phúc. “Lúc biết tin chiến thắng sung sướng lắm, chúng tôi vừa khóc vừa vỗ tay”, bà Nhĩ nhớ lại.

Bà Nhĩ chia sẻ, chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca bất diệt được viết nên bởi máu xương, mồ hôi và nước mắt của toàn dân tộc. Còn gì vui hơn khi bản hùng ca ấy có phần đóng góp nhỏ bé của mình! Đó cũng là lý do khiến bà không bao giờ quên và luôn bồi hồi, xúc động vào mỗi dịp tháng 5.