Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, một nội dung thu hút sự chú ý trong thảo luận về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là đề xuất mở rộng quyền cho viên chức đang làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Đây được coi là bước đi nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 của Quốc hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức vào thực tiễn.
Theo dự thảo, viên chức tại các cơ sở giáo dục đại học công lập – nếu là người lao động – có thể tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở thành lập, nhưng phải có sự đồng ý của người đứng đầu. Nếu là viên chức quản lý (người đứng đầu cơ sở), thì cần sự phê chuẩn của cấp trên. Ngoài ra, viên chức này cũng được phép góp vốn vào doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà trường.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Quy định mới sẽ mở ra cơ hội để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong trường đại học, tạo động lực cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.” Ông cũng nhấn mạnh cần có sự thống nhất giữa các luật để tránh chồng chéo, bởi Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đang đề cập đến quyền này cho viên chức trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, bao gồm cả viện nghiên cứu.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề xuất mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách này là viên chức tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. “Thực tế, nhiều trường nghề đã có nhu cầu thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm đào tạo và nghiên cứu ứng dụng. Việc luật chỉ giới hạn ở đại học công lập là chưa phù hợp,” - bà Dung phân tích.

Trái lại, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự thận trọng khi cho rằng cần phân biệt rõ giữa pháp nhân thương mại và phi thương mại. “Viên chức đại học là người thầy, một biểu tượng về tri thức và đạo đức. Việc cho phép họ đồng thời điều hành doanh nghiệp có thể khiến vai trò của họ bị xung đột, ảnh hưởng hình ảnh và sứ mệnh giáo dục.” - ông Hạ nhấn mạnh.

Ông Hạ cũng cảnh báo ranh giới giữa đổi mới sáng tạo và các hành vi vi phạm như trốn thuế, vi phạm bảo hiểm, môi trường... trong doanh nghiệp thương mại là rất mong manh. Do đó, cần cân nhắc thấu đáo trước khi hợp pháp hóa quyền này một cách rộng rãi.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài Chính - Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Nội dung này nhằm thể chế hóa chủ trương đã có trong Nghị quyết 57 và Nghị quyết 193; đồng thời tránh chồng chéo với Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội xem xét.”.

Về mở rộng quyền lập doanh nghiệp cho nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Bộ trưởng cho biết, nội dung này hiện nay đang được thí điểm trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong quá trình Hà Nội triển khai thực hiện, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, trên tinh thần: “những gì đã rõ, đã chín thì đưa vào luật; những gì chưa rõ sẽ tiếp tục thí điểm.” .