Nghe chương trình tại đây:

Những đứa trẻ không bị bỏ lại

Trong không gian lớp học nghề, nơi không có tiếng giảng bài hay tiếng chuông reo vang, Nguyễn Sơn Vũ 17 tuổi, ngồi im lặng đan len. 2 chiếc đũa đan như múa trên tay Vũ, thoăn thoắt, dứt khoát, từng nốt móc tạo ra chiếc túi màu xanh nõn chuối đã thành hình thành dạng.

"Hôm nay con móc túi, để bán" - Vũ nói từng từ rời rạc, đứt đoạn. Vậy nhưng sản phẩm mà em làm ra - chiếc túi len được đan chắc tay và các lớp màu được chuyển mềm mại như một món quà nghệ thuật.

Thầy giáo Minh Đức ngồi cạnh nghe và ráp nối lại những từ Vũ nói để ai cũng hiểu. "Các bạn đã đến trung tâm lâu rồi, đã quen sinh hoạt ở đây. Bạn mới thường có phản ứng khác nhau, có bạn thét gào, chống đối rất nhiều..."

Ở một góc khác, Thu Thảo - 25 tuổi đang vẽ trên một chiếc túi vải. “Đây là hình con mèo gặm lá” - Thảo nói, mắt chăm chú theo từng nét cọ. Mỗi ngày, mẹ chở Thảo vượt hơn 10km từ Hà Đông tới lớp. Sau một năm rưỡi kiên trì, Thảo trở thành cây cọ cứng cựa với thu nhập 1 triệu đồng/tháng - số tiền em tự hào đem về tặng mẹ.

Nguyễn Minh Quang ở lớp đóng gáy sổ không chào chúng tôi bằng tiếng Việt. Quang có thể nói nhiều hơn 7 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc...

"Quang tự học ngoại ngữ chứ không phải đi học ở trung tâm nào" - Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền trẻ em, người điều hành dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ chia sẻ. Nhiều khi các cô phải tra từ điển mới hiểu Quang nói gì.

Quang thích hát và "tặng" cả lớp ca khúc 25 Minutes của Michael Learns to Rock.

Hiểu và khơi mở tiềm năng

Theo Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền trẻ em, người điều hành dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ: "Chúng tôi không áp đặt. Mỗi em đều được thử tất cả các hoạt động để tìm ra điểm mạnh của mình - hội họa, may vá, làm sổ tay… rồi mới phân nhóm theo năng lực".

Những bạn có khả năng quan sát, sáng tạo sẽ được đưa vào nhóm thiết kế sản phẩm mới. Những bạn thiên về sao chép hình ảnh sẽ đảm nhận nhiệm vụ vẽ lại mẫu sẵn có. Với nhóm trẻ đặc biệt này, mọi thành quả đều được "vun trồng" bằng sự kiên nhẫn và tình yêu thương.

Một số em học tới 4 năm chuyên ngành mỹ thuật, nhưng khi đến trung tâm vẫn phải học lại từ đầu vì chưa từng được đào tạo theo phương pháp phù hợp. “Vẽ trên túi vải, túi cỏ bàng… đều cần kỹ thuật riêng. Các em phải học từng chút một”, chị Hương chia sẻ.

Với các bạn đã vững nghề, Trung tâm trả lương cho các em. "Ở đây nhiều bạn có thể về nhà và hòa nhập cộng đồng để có thể tự mình có đồng lương, tranh trải cuộc sống được" - chị Hương cho biết. Tuy nhiên sau thời gian, các em vẫn quay lại đây để làm.

"Các bạn học nghề tốt, làm được nghề rồi nhưng vẫn cần phải có người giám sát. Ví dụ bố mẹ đi làm, ông bà ở nhà nhưng lại không giám sát được, không nhắc nhở được, các em vốn dĩ đã khó tập trung. Tại đây những sản phẩm đưa ra thị trường yêu cầu rất cao, một chút hỏng chúng tôi sẽ bỏ" - chị Hương giải thích.

Hòa nhập đó là khi những người yếu thế có thể phần nào tạo ra sản phẩm, thu nhập bằng khả năng năng của mình. Tại trung tâm, thạc sĩ Lan Hương không lo về đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề là khách sẽ chờ hơi lâu vì các em làm chậm. "Một chiếc túi vải với người bình thường là vài giờ, còn với các em, có khi mất cả ngày, vài ngày - tuỳ tâm trạng, tuỳ mức độ tập trung".

Theo Cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm. Tương lai của trẻ tự kỷ sẽ rất khó khăn nếu gia đình bỏ mặc, thầy cô không quan tâm.

Trẻ tự kỷ không kiểm soát được cảm xúc, khó nhớ lâu, dễ quên… nên người hướng dẫn phải cực kỳ kiên trì và nhẫn nại. Theo thạc sĩ Phan Thị Lan Hương, để kích hoạt khả năng của các em, quan trọng hơn cả là thái độ: không thương hại - mà là đồng hành, không nhìn trẻ tự kỷ như người kém - mà là các cá thể cần cách tiếp cận riêng. Họ không cần đặc ân, chỉ cần cơ hội để sống đúng tiềm năng của mình./.