Mới đây, lãnh đạo Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an đưa ra đề xuất: Sẽ có cơ chế trả tiền cho người dân, mua lại các hình ảnh, video clip vi phạm giao thông để xử phạt nguội. Theo đó, người dân có thể gửi video clip tự quay hay clip từ camera hành trình trên xe mình tới Cục CSGT. Nếu xử phạt được người vi phạm, người ghi hình sẽ được trả một phần trong số tiền đó. Có thể nói, đề xuất này của Cục CSGT đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau, đồng tình cũng có mà phản đối cũng không ít. LS Trần Xuân Tiền, VP Luật sư Đồng Đội cho rằng, đề xuất này là một cố gắng để tìm giải pháp đẩy lùi tai nạn giao thông cũng như ý thức chấp hành giao thông bằng việc không chỉ cảnh sát giao thông mà cả người dân có quyền, có trách nhiệm tham gia, cung cấp những tài liệu bằng chứng xác thực để xử phạt các hành vi vi phạm giao thông.

Không ít ý kiến cho rằng nếu như thực hiện được cơ chế trả tiền cho người dân, mua lại các hình ảnh, video clip vi phạm giao thông để xử phạt nguội thì hành vi vi phạm có thể giảm đi và có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực cho xã hội. Chưa kể, một số lượng lớn các clip vi phạm giao thông sẽ được dùng vào mục đích phạt nguội, tăng thu cho ngân sách, thay vì chỉ được đưa lên các diễn đàn mạng xã hội như hiện nay. Tuy nhiên theo LS Trần Xuân Tiền thì đây là ý kiến chủ quan, chưa có một căn cứ gì xác định tác động của nó tới ý thức của người dân. Thêm vào đó tác động của xã hội bao giờ cũng có nhiều chiều. Việc xử phạt chỉ là một giải pháp để hạn chế tình trạng vi phạm an toàn giao thông, quan trọng nhất vẫn phải là ý thức của người dân và những người thực thi giao thông

Với tình trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay, những hành vi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi quá tốc độ, chuyển hướng không bật đèn tín hiệu diễn ra rất phổ biến. Các camera giám sát trên đường giao thông, ở các ngã tư, ngã ba ghi lại rất nhiều trường hợp vi phạm giao thông nhưng chưa được xem xét xử lý. Khi những tình huống đó, những dữ liệu đó chưa được xem xét xử lý thì việc mua thêm clip của người dân để xử lý phạt nguội là không phù hợp. Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề phát sinh cần được giải quyết như: giá cả video clip được tính như thế nào? chất lượng video clip thì ra sao?… Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng đây là vấn đề rất phức tạp, đã trả tiền thì phải sòng phẳng và đã tính ra tiền thì phải tính giá trị của video clip đó, do thị trường định giá hay do cảnh sát giao thông định giá.... Đặc biệt là việc ghi lại vi phạm đơn giản nó khác, vi phạm phức tạp nó khác, rồi có thể xảy ra cả những kiện cáo.

Có thể không chỉ khó khăn trong việc thực hiện mà khi xuất hiện đông đảo những người đi "săn” video clip vi phạm giao thông để bán lấy tiền, có thể gây ra rất nhiều những hệ lụy khác. Và nếu những thông tin đó không được kiểm soát tốt, có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội, rất có thể nhiều người sẽ sống bằng nghề “săn” video clip vi phạm. Và khi đó thì ranh giới ghi lại hình ảnh vi phạm với việc xâm phạm hình ảnh riêng tư là rất mong manh. Chính vì vậy Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, bình thường người dân đã hay hiếu kỳ, hay đi ghi lại hình ảnh vi phạm giao thông, thậm chí là ghi lại cả hình ảnh cảnh sát giao thông. Vậy lúc đó sẽ như thế nào? Có xử dụng clip đó để xử phạt cảnh sát giao thông hay không? Quyền riêng tư của mỗi cá nhân liệu có được đảm bảo không? Chỉ một clip đăng lên mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đến đời sống riêng của mỗi người, nếu như họ ghi lại video với mục đích tống tiền thì sẽ dẫn đến hỗn loạn… Đây là vấn đề rất nhạy cảm.

Hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc trả tiền cho tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Theo luật thì đó là trách nhiệm của công dân. Nếu đã trả tiền cho người cung cấp dữ liệu về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì cũng cần phải trả tiền cho người cung cấp dữ liệu về vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác như môi trường, xây dựng, đất đai... LS Trần Xuân Tiền cho rằng, Cục CSGT cần phải nghiên cứu thêm và cần phải áp dụng thí điểm cũng như lấy ý kiến từ các chuyên gia, từ người dân chứ không phải bất cứ lúc nào cũng ghi âm, ghi hình được.

Thời gian qua, việc xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát đã đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, do cơ chế khai thác, xử lý vi phạm chưa rõ ràng và triệt để cũng dẫn đến việc nhiều hành vi vi phạm được hệ thống phát hiện và ghi nhận nhưng kết quả xử lý thực tế chưa cao. Với hệ thống camera giám sát "chính thống" còn như vậy, thì liệu rằng với cơ chế trả tiền mua clip của người dân để phạt nguội có đạt được hiệu quả như mong muốn hay không? Đây vẫn là câu hỏi mà các cơ quan quản lý cần phải tính toán, cân nhắc để đưa ra những phương án thực sự có tính khả thi.