Tại hội thảo “Mức sinh thấp - Thực trạng và giải pháp” do Hội Phụ sản TW phối hợp với Tổng cục Dân số và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam tổ chức sáng 10/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, mức sinh ở hầu hết các châu lục trên thế giới đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế. Dự báo năm 2055 tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
Mức sinh thấp, cơ cấu dân số trẻ đang bắt đầu già hóa
Tại nước ta, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì cho đến nay. Nước ta cũng đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh lệch đáng kể. Có 21, tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Thậm chí vùng Đông Nam Bộ còn giảm sâu, tức là năm 1999 vùng này vẫn còn tỷ lệ một phụ nữ sinh 2,9 con thì hiện nay xuống rất thấp, chỉ còn 1,56 con.
Các tỉnh có mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững cho đất nước.
Đặc biệt, theo ThS.BS. Mai Trung Sơn, chuyên viên Cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Dân số, cùng với mức sinh đang giảm thì cơ cấu dân số trẻ đang bắt đầu chuyển sang già hóa. Năm 2019, nếu như cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, dự báo đến năm 2069 cứ 2 đứa trẻ sẽ có 3 người trên 60 tuổi. Như vậy, chúng ta sẽ phải đối diện với hai vấn đề tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội, đó là mức sinh thấp và dân số già. "Hệ lụy của những vấn đề này sẽ tác động lâu dài tới số phận của từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội" - GS.TS Nguyễn Đình Cử,nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cho biết, nước ta còn đối mặt với tình trạng vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng. Theo số liệu, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, với tỉ lệ khoảng 7,7% dân số. Trong số này, khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
“Chúng ta cần thảo luận những giải pháp can thiệp, hỗ trợ trong thời gian tới để giúp cho cá nhân, cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”- GS,TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam nói.
Theo các chuyên gia về dân số, với mức sinh như hiện nay, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên đỉnh điểm 107 triệu vào năm 2044, sau đó giảm dần và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100. Tình trạng già hóa dân số của Việt Nam diễn ra quá nhanh.
Cần có các chính sách ngăn đà giảm sinh
Các chuyên gia về dân số đều khẳng định, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Cần tìm giải pháp để cải thiện tình trạng này.
Theo ThS.BS Mai Trung Sơn, trong dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng có đề xuất 4 biện pháp của nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Cụ thể:
-Thứ nhất, đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...
-Thứ hai, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực y tế.
-Thứ ba, xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình.
-Thứ tư, quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.
Cùng với những giải pháp này, GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng, lúc này chính sách dân số cần một lối rẽ, chúng ta cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế bình quân là 2 con cho 1 phụ nữ. "Muốn đạt được như vậy thì phải truyền thông thay đổi tư duy về chính sách dân số, phải làm sao để tất cả mọi người trong chúng ta đều hiểu rằng không phải nói đến chính sách dân số là nói đến giảm sinh" - theo GS.TS Nguyễn Đình Cử .
Một vấn đề nữa là cần tháo gỡ ngay những chính sách chỉ phù hợp với giai đoạn giảm sinh trước đây, ví dụ Pháp lệnh dân số 2003, được sửa đổi năm 2008 vẫn quy định mỗi cặp vợ chồng có 2 con trừ những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, hay tiêu chuẩn về sinh 2 con trong các loại danh hiệu dành cho cá nhân và tập thể - GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng đã đến lúc phải thay đổi.