Nghề công tác xã hội (CTXH) ở nước ta đang làm tốt vai trò trong việc phát hiện, giúp đỡ những người yếu thế, giúp họ vượt qua những rào cản cuộc sống, phát triển và hòa nhập với cộng đồng một cách tích cực nhất. Dù đóng góp lớn trong giải quyết những vấn đề an sinh, song nghề này vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Công tác xã hội đã được nhìn nhận như một ngành nghề chính thức. Tuy nhiên nhìn từ góc độ nghề nghiệp, TS Nguyễn Hải Hữu, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội các cơ sở đào tạo nghề CTXH cho rằng, những người làm CTXH vẫn chưa có sự tôn vinh cần thiết, trong khi các vấn đề xã hội luôn đặt ra những thách thức không nhỏ. Là một nghề đối mặt với không ít những khó khăn và đôi khi còn gặp sự cố, nhưng những người làm CTXH luôn có một tâm nguyện là mang đến những điều tốt đẹp cho người bệnh, người yếu thế, người khó khăn.

TS Nguyễn Hải Hữu khẳng định “Những cán bộ CTXH là người làm cầu nối đưa chính sách vào cuộc sống, giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận chính sách. Đấy là ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội. Nước ta hiện đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp chính sách để phát triển nghề công tác xã hội”.

Nhờ sự chung sức của cả cộng đồng, các nhân viên CTXH chính là cầu nối quan trọng để hỗ trợ, kết nối những hoàn cảnh khó khăn với các tổ chức, các nguồn lực trong xã hội. Dù mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nhưng nghề CTXH đang đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Số người có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp, thụ hưởng dịch vụ CTXH chưa được nhiều.

Thế nên theo TS Ngô Xuân Điệp, cố vấn Trung tâm giáo dục Tường Minh, chuyên về can thiệp trẻ tự kỷ, việc mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH là đòi hỏi bức thiết hiện nay.

“Hiện nay việc can thiệp cho trẻ tự kỷ có giáo dục đặc biệt, tâm lý đặc biệt...đặt ra nhu cầu cán bộ CTXH phải được đào tạo tốt, trở thành lực lượng nòng cốt trong việc hỗ trợ trẻ tự kỷ nói riêng, những người dân gặp vấn đề nói chung” - TS Ngô Xuân Điệp chia sẻ thêm.

TS. Nguyễn Trung Hải, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Lao động Xã hội phân tích, việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên CTXH mới dừng lại ở giai đoạn đầu, kinh nghiệm đào tạo ít; giáo trình và tài liệu giảng dạy còn thiếu; đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH còn mỏng.

Cũng theo TS Hải, hiện đào tạo CTXH đang giáo dục cơ bản dàn trải ở các môn. Sinh viên ngành CTXH nói chung nắm khá sát những kiến thức cơ bản, nhưng khi tiếp cận trong các lĩnh vực chuyên sâu với các đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật...thì còn khá thiếu kiến thức thực tiễn. Do vậy, cần có những chương trình, giáo trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu hơn để phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

TS Nguyễn Trung Hải cho rằng, việc xây dựng kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy và nhất là kỹ năng can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội là những yếu tố cốt lõi để đào tạo ra đội ngũ CTXH có đầy đủ phẩm chất cho các cơ sở nghề nghiệp.

“Vấn đề chuẩn đầu ra có thể gọi là hòn đá tảng, thế hiện tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực đào tạo CTXH gắn với tính khoa học và đặc thù nghề nghiệp. Có định hướng chuẩn đầu ra, các trường sẽ có căn cứ đưa ra các nội dung, chương trình bài giảng gắn với nhu cầu thực tiến” - TS Hải nhấn mạnh.

TS Ngô Xuân Điệp, cố vấn Trung tâm giáo dục Tường Minh, chuyên về can thiệp trẻ tự kỷ cho rằng, quá trình đào tạo cũng cần gắn lý thuyết với thực hành, nâng cao kỹ năng làm việc tại các cơ sở, giúp sinh viên vận dụng những kiến thức chuyên môn vào thực tiễn. TS Điệp cho biết, hiện Trung tâm giáo dục Tường Minh cũng đang tiếp nhận nhiều khóa đào tạo sinh viên tới thực hành và có những hỗ trợ tích cực từ các cán bộ, nhân viên tại cơ sở.

Có thể nói, việc cung cấp các dịch vụ CTXH kịp thời đang rất cần thiết để phòng ngừa, chăm sóc và hỗ trợ người người dễ bị tổn thương, sớm phục hồi và hòa nhập với cộng đồng. Việc nâng cao công tác đào tạo không chỉ tạo nên một đội ngũ CTXH có đủ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tài năng làm việc mà còn giúp giải quyết, phòng ngừa các vấn đề xã hội, góp phần thực hiện an sinh xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững./.