Ngày dân số thế giới năm nay có chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.

Ngày nay, phụ nữ có rất nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, được nói và hành động theo mong muốn chính đáng của mình, có những đóng góp to lớn vào mọi mặt của đời sống, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, bình đẳng giới vẫn là một hành trình gian nan, đòi hỏi cần được quan tâm một cách sâu sát, vì chất lượng cuộc sống của mỗi người và vì một xã hội tốt đẹp, nhân văn hơn.

Theo GS.TS Lê Thị Quý, Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, còn rất nhiều vấn đề về định kiện giới, về phong tục tập quán... đã kìm hãm sự phát triển của phụ nữ. Tại Việt Nam, bình đẳng giới cho phụ nữ đã có những sự cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nữ tham gia quốc hội, các nhà khoa học nữ, phụ nữ là lãnh đạo trong các cơ quan đơn vị... ngày càng tăng, cho thấy Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến phụ nữ, đến bình đẳng giới.

Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao về thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng định kiến hay bất bình đẳng vẫn còn tồn tại, nhất là ở những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng này, tuy nhiên theo GS.TS Lê Thị Quý, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là tư tưởng, quan niệm nho giáo đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân từ đời này qua đời khác. “Sự phân biệt giới “trọng nam khinh nữ” ở Việt Nam đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Điều đó cho thấy phụ nữ Việt Nam dù rất tài giỏi và nhiều năng lực nhưng đã bị phong kiến kìm hãm sự phát triển. Tư tưởng nho giáo đã đưa ra quan điểm rõ ràng là phụ nữ phải "tam tòng tứ đức", rồi lại "công dung ngôn hạnh"… và còn rất nhiều những điều lệ khắc nghiệt đối với phụ nữ. Cho nên cơ chế bất bình đẳng giới nó quá là sâu sắc và kéo dài, nên rất khó để có thể giải quyết một sớm một chiều”. GS.TS Lê Thị Quý nhấn mạnh.

Theo đánh giá từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam là 1 trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược Bình đẳng giới. Tuy nhiên, vấn đề định kiến giới, mất bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực vẫn còn tồn tại. Chẳng hạn như là phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới hay là một số quy định trong lĩnh vực lao động việc làm, về những ngành nghề phụ nữ không được tham gia… Đặc biệt định kiến về giới hiện vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình, vùng miền. Điều này ảnh hưởng đến trẻ gái ngay từ khi các em đi học. Theo GS.TS Lê Thị Quý thì điều này dẫn đến sự hạn chế rất lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh nước ta đạt ngưỡng dân số 100 triệu dân. "Chúng ta thấy ngay là khi người phụ nữ không được phát triển về mặt lao động việc làm như nam giới thì thiệt hại trước hết là cho xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ. Vấn đề này làm cho xã hội thiên lệch. Nhiều người vẫn hiểu là phụ nữ đi làm vừa phải thôi còn chủ yếu là về nhà chăm lo cho gia đình. Vì vậy vị thế của phụ nữ thấp đi so với nam giới trong sự phần đấu của mình".

Với mốc 100 triệu dân thì bài toán về nâng cao chất lượng cuộc sống cũng là vấn đề hết sức bức thiết hiện nay. Mặc dù người phụ nữ có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cộng đồng nhưng họ vẫn không được đánh giá cao so với nam giới. Đôi khi phụ nữ không được nói lên tiếng nói của mình. Đặc biệt phụ nữ và trẻ em gái ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chịu nhiều thiệt thòi hơn trẻ em trai, về cơ hội học tập, tiếp cận thông tin... Chính vì thế GS.TS Lê Thị Quý cho rằng, để tiến tới bình đẳng giới còn rất nhiều việc phải làm. "Thứ nhất là yếu tố về chính quyền, thứ hai là yếu tố về điều kiện làm việc, thứ ba là yếu tố bản thân người phụ nữ. Đặc biệt là chính phụ nữ phải giành lấy cơ hội để học tập, để phát triển cho chính bản thân mình".

Chủ đề của ngày ngày Dân số Thế giới năm nay đã nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để xây dựng một thế giới đa dạng, thịnh vượng và phát triển. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế để xây dựng luật pháp và chính sách giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn. Đã đến lúc không thể chờ đợi mà chính giới nữ phải mạnh dạn, chủ động tự tạo ra cơ hội cho chính bản thân để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mời nghe âm thanh tại đây: