Đợt dịch Covid- 19 lần thứ 4 bùng phát ở nước ta khiến hàng triệu doanh nghiệp, người lao động rơi vào cảnh lao đao, khốn đốn. Nhiều lao động chưa kịp gượng dậy từ 3 đợt dịch trước thì đợt dịch lần này khiến cuộc sống của họ thêm muôn vàn khó khăn.

Chuyên gia chuyên nghiên cứu về các vấn đề doanh nghiệp, TS Lê Duy Bình, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng: Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại, tác động tiêu cực với khó khăn chồng chất khó khăn, khiến doanh nghiệp Việt “kiệt sức”. Bởi những nguồn dự trữ trước đây đã không còn, nguồn thu nhập mới, nguồn tiền mới cũng không có cơ hội tạo ra để hỗ trợ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Điều này thực sự là một thách thức.

Trong bối cảnh như vậy, việc Chính phủ tiếp tục tiếp tục ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch với quy mô khoảng 26.000 tỷ thực sự mang nhiều ý nghĩa. Chị Nguyễn Thị Hoa quê ở Hưng Yên lên thuê trọ ở khu tập thể 128c Đại La, Hà Nội để mưu sinh gần 10 năm nay, tỏ ra vô cùng phấn khởi khi nhận thông tin có thêm một gói hỗ trợ cho những lao động bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid- 19.

Chị Hoa cho cho biết, lên Hà Nội chọn nghề thu mua đồng nát để mưu sinh. Bình thường không xảy ra dịch bệnh mỗi tháng sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, chị cũng tiết kiệm được khoảng 5,6 triệu để gửi về quê cho các con ăn học. Nhưng từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, gần như cả tháng trời chị chẳng kiếm ra được đồng nào, trong khi tiền thuê trọ, tiền ăn ở vẫn không thay đổi. Khó khăn chồng chất khó khăn.

“Tôi mong sớm nhận được hỗ trợ để bớt đi phần nào khó khăn. Trong lúc không có thu nhập như hiện nay, những đồng tiền hỗ trợ một cách kịp thời có thể không nhiều cho người dân như chúng tôi thực sự có ý nghĩa…”, chị Hoa chia sẻ.

Theo TS Lê Duy Bình, Nghị quyết 68, ngoài những giá trị nhân văn về mặt xã hội, thì bản thân chính sách này còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Với khoảng 26.000 tỷ tương đương hơn 1 tỷ đô la Mỹ và hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước, nếu như chúng ta giải ngân hết và giải quyết một cách hết sức có hiệu quả đúng mục tiêu trong năm nay thì với gói kích cầu này sẽ tác động không nhỏ đối với nền kinh tế.

Ông Bình cũng cho rằng, đây là một khoản chi, khoản đầu tư đúng đúng, thiết thực. Tuy nhiên từ một số bất cập của một số chính sách hỗ trợ khẩn cấp đã từng triển khai, theo ông Bình để chính sách hỗ trợ lần này thực sự mang đúng ý nghĩa khi ban hành, sớm đến tay người hưởng lợi, thì các quy định, tiêu chí cần phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện và dễ triển khai. Đồng thời, quá trình triển khai cần nhanh, thần tốc và kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn ngặt nghèo.

TS Lê Duy Bình nhấn mạnh: “Đã là một gói mang tính chất hỗ trợ khẩn cấp thì khi thực hiện phải khẩn cấp. Phải bỏ qua những thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà, không cần thiết. Không thể đòi hỏi người lao động phải có hợp đồng lao động hay phải chứng minh họ đã bị mất việc làm thì mới có thể được hưởng hỗ trợ”

Ông Bình hy vọng với sự quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cũng như quyết tâm trong việc thay đổi cách làm, cách xây dựng chính sách với mục tiêu quan trọng nhất là tất cả vì người lao động, vì những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh dịch covid- 19, chính sách lần này sẽ khắc phục được những điểm yếu và có thể cải thiện được tốc độ giải ngân cao hơn rất nhiều so với các chính sách hỗ trợ trước đây.

TS Lê Duy Bình cũng lưu ý, trong quá trình triển khai Nghị quyết 68, cần phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị địa phương, đồng thời huy động sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội và người dân. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng mang tính chất quyết định đối với tốc độ giải ngân của gói 26.000 tỷ này. Người đứng đầu các địa phương, các bộ, ngành cần chịu trách nhiệm trực tiếp trong giải ngân gói hỗ trợ. Và gắn trách nhiệm này vào việc đánh giá kết quả thực hiện công việc vào cuối năm của các bộ, ngành của các địa phương của những người đứng đầu của các đơn vị. Chỉ khi nào làm được như vậy thì họ mới có một nỗ lực cao nhất là, tìm ra những biện pháp cũng như những cách thức, sự sáng tạo để mang nguồn hỗ trợ này đến tay những người hưởng lợi một cách sớm nhất” - ông Bình kiến nghị.