Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương của chiến tranh vẫn in hằn trong tâm trí của những người lính cựu, nhất là thân nhân của những liệt sỹ vẫn còn nằm lại nơi chiến trường xưa. Hơn ai hết, các cựu chiến binh là người đồng cảm và hiểu rõ nhất nỗi đau và mất mát ấy. Như một cách để tri ân và xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại, nhiều năm qua, Hội Bạn chiến đấu, cựu chiến binh Sư đoàn 5 phía Bắc đã dành nhiều công sức, thực hiện công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. “Chúng tôi nghĩ mình còn sống và về với gia đình, được hưởng hòa bình là nhờ những đồng đội nằm xuống vĩnh viễn. Điều này thôi thúc chúng tôi cố gắng làm điều gì đó vì đồng đội”, đại tá Nguyễn Thanh Truyền, Trưởng Ban Liên lạc Hội Bạn chiến đấu, cựu chiến binh Sư đoàn 5 phía Bắc tâm sự.

Với tâm nguyện ấy nên dù đã ở tuổi “thất thập” nhưng rất ít hôm ông Truyền dành cho mình một ngày nghỉ trọn vẹn. Nếu không cập nhật thông tin về đồng đội ở các địa phương, ông lại mày mò nghiên cứu hồ sơ về những trận đánh của đơn vị trong quá khứ. Mục đích là lần mò, tìm kiếm manh mối về những đồng đội đã hy sinh nhưng gia đình, người thân vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Rồi khi chuẩn bị được kinh phí, sắp xếp được công việc gia đình, ông lại lên đường đi thực địa. Cứ như thế, suốt những năm qua, ông cùng các đồng đội đã đến nhiều địa phương là chiến trường xưa để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Trong đó, có những chuyến đi đem lại hiệu quả đến bất ngờ. “Tôi trực tiếp đi tìm 6 liệt sỹ ở Huế. Khi bắt đầu hành trình tìm kiếm thì chỉ có thông tin là các anh hy sinh ở chiến trường Bình Trị Thiên. Để tìm được, trước hết chúng tôi phải lật lại hồ sơ, tìm xem đồng đội có những ai chiến đấu ở trận đó. Chúng tôi phải quay lại cả đơn vị cũ của những đồng đội ấy xem ai còn, ai mất, hiện ở đâu…rồi liên lạc với gia đình để chắp nối thông tin rồi mới đi tìm. Nói chung rất khó khăn.”, đại tá Nguyễn Thanh Truyền, chia sẻ.

Không chỉ trở lại những chiến trường xưa ở trong nước, ông Truyền còn 4 lần sang tận nước bạn Campuchia chỉ để cố tìm cho bằng được một đồng đội. Mỗi chuyến đi đều đem lại cho ông những cảm xúc rất rất khác biệt: buồn - vui đan xen. Cũng vì thế nên dù nhiều năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in cảm xúc của mỗi lần tìm thấy và đưa được đồng đội trở về. “Có một trường hợp tìm liệt sỹ ở Campuchia. Anh này quê ở Hà Nam. Anh ấy được biên chế ở bộ phận Hậu cần, trong lúc coi kho thì bị bắn chết. Có một người trong đơn vị đến mang ra cánh đồng để chôn, cũng tính toán để sau này tìm được. Gia đình của liệt sỹ ấy có đề nghị chúng tôi tìm giúp. Chúng tôi đều sẵn lòng nhưng để sang Campuchia tìm kiếm, chúng tôi phải nhờ một đơn vị của Quân khu 9 cho đi theo. Lần đầu, chúng tôi tìm được hơn 20 liệt sỹ mang về nhưng đáng tiếc không tìm được liệt sỹ ấy. Lần thứ 2 sang cũng không tìm thấy. Lần thứ 3 cũng không được. Tới lần thứ 4, tìm được chính đồng đội đã chôn cất liệt sỹ ấy đi cùng thì mới tìm thấy, chúng tôi vỡ òa vì sung sướng”, ông Truyền nhớ lại.

Rời quân ngũ, trở về đời thường, ông Vũ Ngọc Bút, ở quận Đống Đa, Hà Nội - cựu chiến binh Sư đoàn 5 phía Bắc cũng luôn trăn trở với việc tìm kiếm những đồng đội đã hy sinh. “Cuộc chiến tranh tàn bạo nên tạo cho người lính chúng tôi cảm xúc sâu nặng với đồng đội đã hy sinh. Bản thân tôi còn sống là nhờ đồng đội hy sinh. Lúc chiến đấu với nhau, anh em mình cùng một hầm. Bom đạn qua đi, khi mở mắt ra thì đồng đội đã chết rồi”, ông Bút chua sót nhớ lại.

Để tri ân những đồng đội đã ngã xuống, ông Bút dành nhiều thời gian, tâm sức trở về chiến trường xưa. Trong đó, có những chuyến đi dài ngày, đến những nơi xa xôi, tốn kém. Song, toàn bộ chi phí đều do ông tự bỏ tiền túi. Chưa dừng lại ở đó, nhiều lần, ông còn hỗ trợ các gia đình một phần chi phí để đưa hài cốt đồng độ trở về an táng tại quê nhà. Trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Quách Đại Vinh và một liệt sỹ hiện chưa xác định được danh tính tại tỉnh Tiền Giang là một ví dụ. “Năm 2009, tôi và anh Truyền tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Quách Đại Vinh tại tỉnh Tiền Giang. Liệt sỹ Quách Đại Vinh, quê ở Thanh Hà, Hải Dương. Khi tìm thấy, tôi có đề nghị lo công việc trong đó, còn từ ga tàu về quê nhà ở Hải Dương thì tôi sẽ chịu trách nhiệm. Tôi nói với con trai và cháu nói bố cứ yên tâm, con sẽ lo xe cộ đón từ ga và đưa về gia đình”, ông Bút cho biết.

Trong những chuyến trở lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của các cựu chiến binh Sư đoàn 5 phía Bắc, ông Nguyễn Thành Tín cũng thường xuyên góp mặt. Với ông, đó vừa là nghĩa tình với đồng đội, đồng thời là trách nhiệm của những người may mắn được trở về. “Tìm mộ liệt sỹ là nhiệm vụ nặng nề với chúng tôi. Vì đến giờ, nhiều đồng chí đồng đội còn nằm trên rừng, hải đảo xa xôi. Làm sao đưa hết được anh em liệt sỹ về với đất mẹ là điều thiêng liêng và sung sướng nhất với chúng tôi. Mỗi khi tìm được và đưa được đồng đội về đất mẹ thì chúng tôi nhẹ lòng hơn phần nào”, ông Bút tâm sự.

Hơn ai hết, các cựu chiến binh là những người hiểu rõ nhất sự khốc liệt của chiến tranh cũng như tình cảm mà những người lính dành cho nhau. Cũng vì lẽ đó nên nhiều năm qua, các cựu chiến binh Sư đoàn 5 phía Bắc vẫn liên lạc với nhau, cùng nhau góp công, góp sức trở lại chiến trường xưa với cùng một tâm nguyện: “tìm và đưa hài cốt đồng đội đã ngã xuống trở về đất mẹ”. Kết quả là đã có hơn 70 liệt sỹ đã được tìm thấy và đưa về an táng tại quê nhà.