Bà Lê Thị Kim Cúc từng là hộ nghèo ở xã Hưng Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Sống gắn bó với vùng sông nước nên ngoài cấy lúa bà còn nuôi thêm vịt quế. Chăm chỉ, nỗ lực làm ăn nhưng cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Lý giải về điều này, bà Cúc cho rằng nguyên nhân là do hạn hán và xâm nhập mặn. “Ở xã An Hiệp, nguồn nước bị nhiễm mặn, người dân không làm ăn gì được, ruộng đất nứt nẻ không trồng lúa được. Nuôi vịt, nước nhiễm mặt nên vịt quế cũng chết nhiều do dễ nhiễm bệnh” - bà Cúc than thở.

Cuộc sống có lẽ sẽ vẫn khốn khó nếu bà Cúc không được một dự án hỗ trợ chuyển sang nuôi vịt biển thay vì vịt quế. Đó là 300 con vịt giống, một phần chi phí thức ăn, phòng dịch…Bà Cúc cho biết so với vịt quế, vịt biển tăng trọng nhanh hơn, thích hợp với môi trường nước mặn và nước lợ. Vịt biển lại ít bị nhiễm bệnh hơn. Với thời gian nuôi khoảng hai tháng, mỗi con vịt biển đạt trọng lượng khoảng 2,5kg. Sau khoảng 6 tháng nuôi, vịt đã đẻ trứng với năng suất khoảng 240quả/con/năm. Giá bán dao động từ 37.000 - 43.000đ/kg. Nhờ chuyển đổi vật nuôi bà Cúc không những thoát nghèo bền vững mà còn hứa hẹn một cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Tại tỉnh Trà Vinh, hạn hán và xâm nhập mặn cũng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để thích ứng với hiện tượng này, anh Đặng Minh Bé, ở xã Lương Hoà, huyện Châu Thành chủ động đưa cây dừa sáp giống mới đã được nuôi cấy phôi và nuôi cấy mô vào trồng thay thế loại dừa sáp thông thường.

Sau một thời gian chuyển đổi, hiện anh đang sở hữu 3 héc-ta đất với 600 gốc dừa. Bĩnh quân, mỗi gốc cho thu hoạch khoảng 100 trái/năm với giá thành bán ra khoảng 120 ngàn đồng/trái. Mỗi năm, riêng nguồn thu từ dừa anh có một khoản tiền đáng kể. Hơn thế, nguồn thu này còn có tính bền vững rất cao. “Dừa cho trái quanh năm, thương lái cũng đăng ký bao tiêu hết sản phẩm” - anh Bé chia sẻ.

Dừa sáp giống mới là sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Trà Vinh. So với các loại dừa sáp thông thường, dừa sáp giống mới có thể chịu được độ mặn cao hơn, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn. Anh Bé cho biết không chỉ riêng anh mà một số hộ gia đình trong huyện Châu Thành cũng đã chuyển đổi và hiện đều “ăn nên làm ra” nhờ cây dừa sáp giống mới. Từ thực tế của bản thân, anh mong rằng sẽ ngày càng có nhiều gia đình chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Đó là cách tốt nhất để biến “nguy” thành “cơ”.