Tại Điều 3 của Quyết định 861//QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, các xã thuộc khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày quyết định có hiệu lực, trong đó có các chính sách liên quan đến BHYT.
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Phước cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 100.817 người (tương ứng với khoảng 10% dân số) không được tiếp tục hỗ trợ thẻ BHYT khi áp dụng Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết những trường hợp này là người có cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số, chính vì vậy ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.
Trước thực trạng này, BHXH tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo BHXH cấp huyện khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương các cấp rà soát, phân loại các nhóm đối tượng để kịp thời hỗ trợ cho những người thực sự khó khăn. Cùng với đó, cơ quan chức năng ở địa phương đã báo cáo với UBND tỉnh tìm cách tháo gỡ và đã nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các ban, ngành đoàn thể và cả các nhà hảo tâm. Mới đây nhất, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16 ngày 09/11/2022 quy định hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn.
Gia đình chị Thị My 29 tuổi, dân tộc S’tiêng ở thôn 1 xã Đường 10, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước không có đất canh tác nên hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn mới có tiền nuôi con. “Gia đình đông người lại khó khăn nên tôi rất sợ bị bệnh. Rất muốn tham gia BHYT nhưng không đủ tiền nên đành phải chịu” - Chị My phân trần.
Vợ chồng chị My cùng hai con nhỏ 6 và 11 tuổi đều chưa từng có thẻ BHYT. Lý do cũng bởi cuộc sống khó khăn, số tiền có được chỉ trông chờ vào những buổi làm thuê theo thời vụ. Tuy nhiên, với thu nhập ít ỏi, khoảng 2-3 triệu đồng/tháng nên tiền ăn nhiều lúc cũng không đủ, anh chị chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ tiền ra mua thẻ BHYT cho cả nhà. "Có lúc con nhỏ bị bệnh phải đi bệnh viện, gia đình chỉ biết sang họ hàng, làng xóm vay mượn tiền để chữa bệnh cho con"- chị My chia sẻ.
Tuy nhiên, mới đây, gia đình chị được tặng thẻ BHYT miễn phí nên các thành viên đã an tâm phần nào. “Tôi mừng lắm, giờ không phải nơm nớp lo đi viện không có tiền nữa vì BHYT đã lo cho rồi” – Chị My xúc động.
Anh Hoàng Văn Hiến ở thôn 6 xã Đường 10 cũng thuộc đối tượng khó khăn trên địa bàn. 2 vợ chồng anh đều không có thu nhập gì, chỉ trông chờ vào những ngày đi làm thuê. Trước đây, gia đình anh nằm trên địa bàn xã nghèo nên được nhà nước phát thẻ BHYT miễn phí dành cho người dân tộc thiểu số sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Năm ngoái, hộ gia đình anh cũng như nhiều bà con trong vùng không thuộc đối tượng được phát thẻ BHYT. Thu nhập eo hẹp, vợ chồng anh và cô con gái 20 tuổi không tham gia BHYT, lúc nào các thành viên trong gia đình cũng lo lắng mỗi lần phải đi đến bệnh viện, dù chỉ là bệnh nhẹ. Anh cũng thuộc đối tượng được cấp BHYT miễn phí theo quy định của tỉnh nên mối lo khi xưa đã vơi đi nhiều.
Tại buổi trao tặng thẻ BHYT cho các hộ gia đình, Bí thư Đảng ủy xã Đường 10 Nông Thị Lũy cho biết nhận thức được vai trò của tấm thẻ BHYT, địa phương đã phối hợp với UBND xã vận động người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, theo bà Lũy, do nhận thức một số bà con còn hạn chế, hơn nữa điều kiện kinh tế một số hộ gia đình khó khăn nên việc tham gia BHYT còn mang tính chất có hay không cũng được. "Vừa qua, tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện các chính sách bảo hiểm, trong đó điều chỉnh việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ dân tộc thiểu số ngoài nguồn ngân sách của trung ương. Với sự hỗ trợ này riêng xã Đường 10 có gần 2.700 trẻ BHYT được trao tặng cho người dân"- bà Lũy chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước Lê Xuân Cao, với những xã không còn chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người dân như xã Đường 10, thì việc duy trì và nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT cũng đòi hỏi ở các địa phương có các giải pháp linh hoạt. Cụ thể, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, vận động sự tài trợ của doanh nghiệp có tiềm lực để hỗ trợ đóng BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, phát huy vai trò gương mẫu của Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong việc chăm lo thực hiện trách nhiệm hỗ trợ cho người thân, phấn đấu hết năm 2023 có 93% dân số của tỉnh Bình Phước sẽ tham gia BHYT. Đến nay, BHXH tỉnh Bình Phước đã vận động các cá nhân, nhà hảo tâm với số tiền trên 2,2 tỷ đồng tương đương với hơn 18.000 thẻ BHYT để người có hoàn cảnh khó khăn thụ hưởng.