Chính sách pháp luật về hỗ trợ người khuyết tật học nghề, tiếp cận việc làm được đánh giá là đầy đủ. Tuy nhiên tỷ lệ người khuyết tật có việc làm vẫn còn rất khiêm tốn. Theo thống kê của ngành lao động, cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó, chỉ khoảng 31% có việc làm, chủ yếu làm ở khu vực chính thức. Đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng rất nặng nề kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy đến. Khảo sát mới đây của Hội Người mù Việt Nam cho thấy, khoảng 30% người khuyết tật đã bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia và nhà quản lý, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người khuyết tật có việc làm còn thấp. Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho rằng yếu tố đầu tiên phải kể đến là bất cập trong trong hệ thống pháp luật. “Trước đây, trong Bộ Luật lao động có nội dung quy định bắt buộc doanh nghiệp phải nhận từ 2-3% lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, khi ban hành Luật Người khuyết tật thì nội dung này chuyển sang “khuyến khích”. Qua đánh giá, tôi thấy đây có thể là nguyên nhân khiến doanh nghiệp từ chối nhận người khuyết tật vào làm việc. Chúng ta cần xem xét lại quy định này”, bà Thụy bày tỏ.

Nhiều người khuyết tật vì không xin được việc làm buộc phải kiếm kế sinh nhai bằng cách tự kinh doanh, buôn bán. Song phần lớn trong số họ lại gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đây là chia sẻ của ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người Khuyết tật Việt Nam. “Nhiều chính sách chưa phù hợp, như trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hiện rất ít doanh nghiệp của người khuyết tật tiếp cận được nguồn vốn này. Thậm chí, có địa phương bố trí nguồn vốn vay cho người khuyết tật còn khiêm tốn. Tôi nghĩ những quy định nào không còn phù hợp thì phải sửa đổi”, ông Thanh nêu quan điểm.

Qua thực tế tại địa phương, ông Trần Xuân Dương, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nam Định cũng nêu những bất cập trong chính sách cho vay của ngân hàng chính sách xã hội khiến người khuyết tật gặp khó khi muốn khởi nghiệp. “Hiện nay quy định của Ngân hàng chính sách xã hội là phải trả lãi theo tháng. Người mù chúng tôi cũng được vay rất thấp, tiêu chuẩn chỉ có 15 triệu/người. Nếu cứ phải trả lãi theo tháng thì gây ra khó khăn cho người vay. Bộ phận quản lý nguồn vốn vay của Hội Người mù cũng gặp khó trong việc quay vòng vốn”, ông Dương chia sẻ.

Bà Đào Thu Hương, cán bộ của tổ chức Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng chính sách việc làm đối với người khuyết tật có những điểm không còn phù hợp. Tuy nhiên theo bà, một phần nguyên nhân khiến người khuyết tật khó tiếp cận việc làm còn do nhận thức của chính đối tượng này. “Việt Nam có nhiều luật, chính sách với những ưu tiên mà người khuyết tật được hưởng về lao động, việc làm. Song từng cá nhân người khuyết tật lại chưa nắm rõ về những chính sách ưu đãi đó. Nên có thể nói rào cản với người khuyết tật trong việc tiếp cận việc làm”, bà Hương chia sẻ.

Dựa vào kết quả cuộc khảo sát do đơn vị vừa tiến hành, bà Trần Thị Hồng Hải, Phó Ban Đối ngoại, Phụ nữ và Trẻ em, Hội Người mù Việt Nam cũng thừa nhận tỷ lệ người khuyết tật có việc làm thấp một phần do hạn chế về hiểu biết pháp luật. “Chúng tôi tiến hành khảo sát và nhận được kết quả chỉ có hơn 26% người được hỏi nắm rõ các quy định liên quan đến chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đối với người khuyết tật. Đây là minh chứng cho thấy số người khuyết tật quan tâm và nắm rõ những chính sách ưu tiên dành cho mình còn rất thấp”, bà Hải cho biết.

Rõ ràng để nâng cao tỷ lệ người khuyết tật có việc làm, các chính sách về lao động việc làm cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, bản thân người khuyết tật phải có ý thức tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ, hiểu biết nhằm đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm.

Nghe bài viết dưới đây: