Nghe chương trình tại đây:

Khuyết tật của chị Lương Thị Minh Nguyệt không đến từ bệnh tật, tai nạn lao động hay giao thông. Không còn sợ hãi giấu giếm như trước nữa, giờ đây chị bình tâm thừa nhận, chị là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Đêm hôm đó, người chồng say rượu trở về nhà và đập cửa căn phòng tầng 2. Khi vào nhà, anh ta dùng ghế trang điểm của vợ đập thật mạnh vào giường.

"Tôi sợ ảnh hưởng đến con nên nhảy xuống giường và đứng cạnh cửa sổ. Anh đập vỡ toang ti vi, tôi nhảy vội qua cửa sổ không có chấn song và nằm bất động" - chị kể.

Khi tỉnh lại trong bệnh viện, chị vẫn nghĩ đó chỉ là chấn thương chỉ cần băng bó và chờ hồi phục. "Chỉ nghĩ 6 tháng nữa sẽ ra viện nên rất vui vẻ hợp tác với bác sĩ. Khi ra viện, nhận được tờ giấy ghi là liệt hoàn toàn" - bầu trời như sụp đổ, chị Nguyệt không nghĩ cả đời sẽ gắn liền với xe lăn.

Từng học tập ở nước ngoài và trở về nước làm kinh doanh, người phụ nữ quê Quảng Bình được nhận xét là năng động, sắc sảo, giao thiệp rộng bỗng chốc trở thành người khuyết tật.

"Đôi chân này đã không dùng được nữa, tôi luôn nghĩ mình cắt chân để nó chảy hết máu rồi mình sẽ chết hoặc là uống hết đống thuốc bác sĩ kê để kết thúc tất cả" - những cơn đau hành hạ khiến chị không chấp nhận thực tại.

Cuộc chiến đấu chấp nhận bản thân còn chưa ngã ngũ thì hạnh phúc gia đình cũng tan vỡ. Mình chị nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn học. Cả ba mẹ con về Hà Nội bắt đầu cuộc sống mới. Khi con trai cả học xong Đại học, chị nghĩ mình đã có thể giảm bớt gánh nặng thì lại đón nhận tin con bị suy thận giai đoạn cuối.

Dù khóc hay cười thì thời gian của một ngày vẫn là 24 tiếng. Chẳng ai có thể đảo ngược hay dừng lại. Ba mẹ con chị lại tiếp tục sống.

"Để có tiền chữa trị con là một việc vô cùng khó khăn. Khó hơn nữa là giúp con vượt qua cú sốc tâm lý" - chị chia sẻ.

Cách một ngày, con trai lại vào viện chạy thận. Con gái đang học Đại học. Còn chị Nguyệt vẫn mỗi ngày đi 7km từ nhà đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và phát triển năng lực người khuyết tật Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) để làm việc. Hiện chị là Phó Giám đốc thường trực Trung tâm, chủ nhiệm CLB chấn thương cột sống Khát vọng (tại Hà Nội).

"Một người chấn thương cột sống như Nguyệt muốn tồn tại, muốn cơ thể không bị biến dạng phải luôn tập luyện, nếu không chân tay sẽ bị co rút biến dạng" - chị đã phục hồi thể chất và "chữa lành" vết thương tinh thần bằng công việc và tập luyện thể thao.

Chị bán hàng online để có thu nhập, làm việc ở Trung tâm để bản thân được cống hiến cho các hoạt động của cộng đồng người khuyết tật. Những năm qua chị là người khuấy động phong trào thể thao. "Thể thao với người khuyết tật rất cần thiết. Chấn thương cột sống không làm cho con người tử vong nhưng loét do tì đè hoặc biến dạng cơ thể do không tập luyện thể thao, không hoạt động sẽ bị dẫn đến kết thúc cuộc sống sớm hơn" - chị chia sẻ.

Thể thao phong trào không phân biệt độ tuổi và tình trạng khuyết tật nặng/ nhẹ. Sẽ có nhưng môn phù hợp để ai cũng có thể chơi. Vừa là chủ nhiệm CLB thể thao người khuyết tật, chị Nguyệt vừa là vận động của các môn như ném đĩa, golf, Pickleball...

Người đi xe lăn, người tập tễnh, người thì cử động tay khó…những thành viên của CLB vẫn hào hứng tập luyện và tìm cách để chơi được, giống như cách họ đã thích ứng với cuộc sống vốn đã không tròn trịa với mình. Lê Văn Minh là như vậy, em không thể gập được chân nhưng đó không phải là rào cản.

"Môn Pickleball này bóng đi chậm, mình sẽ tìm cách để chơi được thôi, có thể gặp khó lúc đầu nhưng dần sẽ quen hết" - Minh nói.

Anh Trần Quang Khải là huấn luyện viên bộ môn Pickleball của nhà Trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao quận Cầu Giấy. "Cuối tháng 7 sẽ có một giải thể thao phong trào, chị Nguyệt liên hệ với tôi và Trung tâm đã quyết định miễn phí hoàn toàn sân tập và nước uống cho thành viên CLB thể thao người khuyết tật" - anh Khải thông tin. Vậy là từ 6 - 9h sáng mỗi ngày, trừ ngày mưa, sân tập lại náo nhiệt cùng thầy Khải.

Đặc điểm của người khuyết tật là di chuyển khó. Để đến sân từ sớm, kiên trì tập luyện là điều không phải ai cũng làm được. Chị Nguyệt luôn làm gương, đến tập và nhắc nhở mọi người không quên lịch tập. Đó là lý do mà với Minh "chị Nguyệt là đầu tàu của phong trào thể thao".

Nhiều thành viên ban đầu tỏ ra lo ngại về việc chơi thể thao do sức khỏe kém, vận động không thuận lợi, di chuyển đến nơi tập luyện cần có phương tiện. Thế nhưng giờ đây, CLB đã nhóm lên tinh thần thể thao phát triển trên toàn quốc, ở các tỉnh nhiều nhóm nhỏ được thành lập. Họ chia sẻ thành quả với nhau trên mạng xã hội.

"Cái khó của thể thao phong trào đó là chúng tôi khó xin tài trợ nên cơ sở hạ tầng còn hạn chết. Ví dụ xin được nơi tập thì ở đó lại không có đường đi cho xe lăn, không có mái che hoặc không có nhà vệ sinh để xe lăn đi vào" - chị Nguyệt kể. Chị đã từng rất xúc động khi có hãng xe đã giảm giá cho CLB khi tham gia cuộc thi. Sau khi chứng kiến tinh thần thể thao của những người khuyết tật, doanh nghiệp đó đã quyết định miễn phí hoàn toàn tiền xe.

"Chúng tôi gần như đi ăn đong, chưa có gì là bền vững, chỉ có tinh thần thể thao, muốn sống, muốn kết nối với cộng đồng thông qua thể thao là vẫn luôn mạnh mẽ" - chị tâm sự./.