Đại tá Bùi Văn Tùng sinh năm 1930 tại Đà Nẵng, tham gia quân đội từ năm 17 tuổi. Tháng 4 /1975, ông mang cấp bậc trung tá, là chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 và đã trực tiếp chứng kiến những diễn biến trong ngày lịch sử 30/4/1975 tại dinh Độc Lập và Đài phát thanh Sài Gòn.

Tháng 3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có kết luận số 974-KL/QUTW, nêu rõ: thời điểm trưa 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, tại đây, đại úy Phạm Xuân Thệ (phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 66) cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh.

Văn bản đang được soạn thảo thì trung tá Bùi Văn Tùng (chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) có mặt và từ đó cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do ông Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh.

Với thành tích đó, ngày 16/5/1975, đồng chí Bùi Văn Tùng đã vinh dự được thay mặt cán bộ, chiến sĩ 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn nhận cái hôn thân mật của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại Phòng Khánh tiết, dinh Độc Lập. Những việc làm này của ông cũng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, đã được ghi nhận qua nhiều phim tài liệu như: “Kể chuyện 30.4- Nhân chứng thứ ba”, “Cuộc bàn giao lịch sử” và tác phẩm “Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số Không” của cố nhà báo Boris Gallass... Bản thân ông cũng được Đảng bộ, nhân dân thành phố HCM hết sức kính trọng, yêu mến.

Trong đơn đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Bùi Văn Tùng, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - Trưởng ban liên lạc Hội cựu chiến binh Lữ đoàn xe tăng 203 viết: "Là những người trực tiếp chiến đấu trong đội hình lữ đoàn xe tăng 203 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã chứng kiến những hành động quyết đoán, chính xác của đồng chí Bùi Văn Tùng - chính ủy lữ đoàn - trong giờ phút quyết định, đặc biệt là những quyết định và hành động của đồng chí vào thời điểm trưa 30/4/1975... Hành động của ông đã góp phần kết thúc chiến tranh nhanh nhất, tiết kiệm xương máu chiến sĩ, đồng bào, góp phần giữ gìn thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Hành động đó đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta như một dấu chấm hết vĩ đại...".

Tang lễ của đại tá Bùi Văn Tùng được tổ chức tại 162 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM. Lễ động quan diễn ra lúc 6h15 ngày 12/2/2023.

(Theo Tuoitre.vn)