Hậu quả đau lòng từ vụ cháy chung cư mi-ni tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội năm 2023 và mới đây nhất là vụ cháy căn nhà trọ nằm sâu trong con phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khiến cả xã hội “giật mình” về sự buông lỏng công tác phòng cháy, chữa cháy, quản lý trật tự xây dựng đối với loại hình nhà ở này. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông: việc phòng, chống cháy nổ không thể chủ quan, nửa vời.
Theo ông Tào Ngọc Tùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Phòng cháy chữa cháy Hà Nội (PCCC Vinasafe), loại hình nhà trọ, chung cư mi-ni tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. "Vấn đề ở đây là ý thức của chủ các nhà trọ cho thuê, họ không đảm bảo các yêu cầu của công tác phòng cháy, chữa cháy: không có lối thoát hiểm thứ hai, xây dựng sai quy hoạch... trong khi mật độ dân cư lớn, nhiều phòng, nhiều tầng được xây chồng trên một diện tích nhỏ. Tuy nhiên, loại hình nhà ở này lại không thuộc diện quản lý về mặt phòng cháy chữa cháy và khoảng trống pháp lý này có thể làm trầm trọng hơn những vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như thiệt hại sau hoả hoạn".
Ông Tào Ngọc Tùng cũng cho biết, chung cư mi-ni, nhà trọ cho thuê đáp ứng được rất nhiều yếu tố: vị trí gần trung tâm, giá rẻ hơn các bất động sản khác, phù hợp với kinh tế của sinh viên, người lao động thu nhập trung bình nên nếu cấm loại hình nhà ở này do không bảo đảm tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy có thể có những tác động trực tiếp tới vấn đề an sinh của người nghèo, sinh viên, thậm chí của chính chủ nhà trọ…
"Một yếu tố nữa khiến tình trạng cháy nổ ngày càng nghiêm trọng thời gian gần đây liên quan đến các chế tài, quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập bởi Luật bao giờ cũng đi sau thực tế xã hội". Ở Hà Nội hiện nay đa phần các chung cư mi-ni, nhà trọ cho thuê đều được xây dựng trong các ngõ, ngách nhỏ nằm sâu trong khu dân cư, đường giao thông xung quanh nhỏ, hẹp, không đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy. Mặc dù các cơ quan chức năng địa phương vẫn thường xuyên nhắc nhở người dân, các chủ hộ kinh doanh nhà trọ phải đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy nhưng vấn đề là sau những buổi tập huấn như vậy, chủ nhà trọ có hành động hay không, tức là có thay đổi để tuân thủ các quy định liên quan đến phòng cháy, chữa cháy hay không... mới là điều quan trọng", ông Tùng nêu thực tế.
Đại biểu Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội: Tới đây Luật Phòng cháy chữa cháy phải quy định chặt hơn các điều kiện kinh doanh trong các khu phố. Trong kiến nghị với Chính phủ, những khu vực đó giải tỏa rất khó vì người dân ở đó lâu đời, chỉ có phát triển các khu đô thị mới và từng bước đưa những khu đó thành đô thị cổ, chỉ để tham quan. Vì nếu ở thì nguy cơ mất an toàn rất lớn và khi có tình huống là không chữa được.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh luôn hiện hữu, bất kể khi nào cũng có thể xảy ra nguy cơ cao và chúng ta đang chấp nhận rủi ro đó hàng ngày, hàng giờ. Tôi cho rằng ở đây khâu phòng cháy vẫn là trước tiên, ý thức người dân phải được tăng cường. Thứ hai là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền. Thứ 3 là tất cả các khu vực hiện nay ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai - những nơi tập trung đông người lao động, công nhân thì cần phải rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng tất cả những cơ sở, nhà ở theo dạng này...
Cũng chính bởi những quy định pháp lý đi sau, nên những tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng công trình, phòng cháy, chữa cháy có rất nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro gây thiệt hại nghiêm trọng cả về tính mạng và tài sản nhân dân. Vì thế ông Tùng cho rằng, trong thời gian tới, để tránh lặp lại những vụ việc đau lòng như thời gian qua, các cơ quan chức năng cần quản lý tốt hơn cũng như cần có thêm các quy định, yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn đối với loại hình nhà trọ cho thuê. Để làm sao đảm bảo tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, hạn chế thấp nhất rủi ro với loại hình nhà ở này.
Công tác phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân, không phải của riêng cơ quan quản lý hay lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Việc phòng cháy, chữa cháy cần có những giải pháp lâu dài, không thể thực hiện nửa vời. Và hãy nhớ, trong mọi trường hợp, phòng cháy vẫn tốt hơn chữa cháy.
Mời nghe cuộc trao đổi tại đây: