Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư ở nước ta và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế của nước ta nói chung và thị trường lao động trong quý III năm nay nói riêng, với hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập, hàng triệu lao động bị mất việc làm, bị cắt giảm thu nhập. Cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

- Cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải giãn nghỉ việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

- Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Có 46,2% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong khi đó con số này ở nông thôn là 32,4%.

- Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước (Tính tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là trong quý III là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước)

- Thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

- Số người thiếu việc làm trong độ tuổi trong quý 3 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

- Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực việc làm chính thức mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động rơi vào tình cảnh thất nghiệp, không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như trước đó.

Sáng nay, trong cuộc họp báo Tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021, do Tổng cục Thống kê tổ chức, PV VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê về những con số được công bố.

PV: Thưa ông, ông có bình luận và phân tích như thế nào với những số liệu mà Tổng cục Thống kê đưa ra về bức tranh lao động việc làm trong 9 tháng năm 2021 đặc biệt trong quý III, là thời gian bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid- 19?

Ông Phạm Hoài Nam: Bức tranh về thị trường lao động quý III rất phù hợp với tình hình kinh tế xã hội ở thời điểm này. Nó thể hiện ở mấy điểm sau: Thứ nhất, tất cả các chỉ tiêu phản ảnh về thị trường lao động đều tăng cao ở mức kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp là gần 4%, số lao động bị ảnh hưởng tăng vọt lên 28,2 triệu người. Tỷ lệ thiếu việc làm cũng tăng rất cao. Tôi cho rằng đấy là những số liệu thu thập rất phù hợp với tình hình thực tế. Chúng tôi cũng dự báo rằng trong quý IV nếu như có các biện pháp quyết liệt từ cấp Chính phủ xuống với sự đồng hành của các địa phương và doanh nghiệp thì bức tranh này lao động việc làm sẽ cải thiện, bớt ảm đạm hơn so với quý III này.

PV: Trong báo cáo tác động của đại dịch Covid- 19 đến thị trường lao động việc làm của Tổng cục Thống kê có nhận định: Thị trường lao động có tới hàng triệu người mất việc làm vậy. Vậy tại sao tỷ lệ thất nghiệp cũng mới tiệm cận ở mức gần 4%. Tổng cục Thống kê có giải thích như thế nào?

Ông Phạm Hoài Nam: Thất nghiệp chỉ là một trong những chỉ tiêu về lao động và việc làm. Ngoài tỷ lệ thất nghiệp thì còn có tỷ lệ mất việc làm, tỷ lệ không có việc làm, tức là rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá một bức tranh. Ở đây khái niệm thất nghiệp cũng cần hiểu rằng, với những người mong muốn được làm việc và đã đi tìm việc nhưng không tìm được thì mới gọi là thất nghiệp. Còn với những người không có việc làm những cũng không có mong muốn, nguyện vọng được đi làm việc thì đấy không gọi là người thất nghiệp. Cho nên rất nhiều năm nay, tỷ lệ thất nghiệp theo khái niệm của quốc tế thì Việt Nam chỉ loanh quanh là 2 và trên 2% và đợt này đã tăng lên đến 4%, có thể nói là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tất nhiên thất nghiệp chỉ là một trong những chỉ tiêu, vì còn rất nhiều chỉ tiêu khác.

PV: Với những con số được thống kê, ở góc độ của đơn vị, ông cảm thấy lo ngại lớn nhất ở thời điểm này là gì?

Ông Phạm Hoài Nam: Chúng tôi thấy có mấy vấn đề lo ngại như thế này. Trước hết nếu nói về lao động việc làm rõ ràng yêu cầu lớn nhất lúc này là thu hút người lao động trở lại làm việc, đặc biệt là những trung tâm kinh tế lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Một lực lượng lao động rất lớn đã trở về quê, rời bỏ các khu vực này nên khi trở lại trạng thái bình thường mới đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp phải có giải pháp đồng bộ mới thu hút được. Thứ nữa, là chính sách. Qua các đợt dịch vừa rồi mới thấy chính sách an sinh cần phải xem xét lại. Tâm lý của người lao động hiện nay đang rất lung lay niềm tin. Họ không cảm thấy được đảm bảo về cuộc sống công ăn việc làm. Chính vì vậy mà họ không còn cách nào khác là phải bỏ về quê. Bởi vậy, để thu hút họ trở lại làm việc thì đó là một bài toán rất là nan giải. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng với quyết tâm cao về mặt chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng hành của Chính phủ và doanh nghiệp thì tôi hy vọng rằng quỹ thời gian đến sẽ được cải thiện hơn.

PV: Thưa ông trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp gần như đang phải nỗ lực để hoàn thiện các đơn hàng vậy, những cái nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực được nhìn nhận như thế nào?

Ông Phạm Hoài Nam: Thiếu thì nhìn thấy rõ ràng rồi và các ngành thiếu hụt lớn nhất đó là công nghiệp xây dựng và dịch vụ, du lịch. Tiếp đến là các khu vực việc làm phi chính thức, ví dụ như các cửa hàng, các quán ăn cũng thiếu nhiều. Vì vậy, nếu như các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại sản xuất ở trạng thái bình thường mới thì đây là một khó khăn cần phải giải quyết khẩn cấp. Tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, các quyết sách của Nhà nước, các địa phương phải có sự nhất quán để giảm bớt sự lung lay niềm tin của người lao động, đảm bảo cho họ một mức an sinh tối thiểu thì mới có thể sớm thu hút họ quay trở lại thị trường lao động. Còn nếu như ở thời điểm này, để dự báo sẽ có khoảng bao nhiêu tỷ lệ phần trăm người lao động quay lại làm việc là rất khó để đưa ra một con số tương đối. Bởi vì khi người lao động đã về quê lại đưa cả gia đình về theo cùng với tài sản, để quay trở lại các khu công nghiệp, các trung tâm lớn sẽ gần như một bước di chuyển ngược trở lại và phải có sự tính toán rất kỹ.

Trân trọng cảm ơn ông!