Là đơn vị thuộc Công ty Truyền tải điện 1, Truyền tải điện Hòa Bình, trong nhiều năm nay luôn sẵn sàng tinh thần dám nghĩ - dám làm; bằng nội lực - sáng tạo; trách nhiệm - tận tâm; đổi mới - linh hoạt trong công tác quản lý, điều hành để tạo nên những kết quả ấn tượng, bứt phá.

Truyền tải điện Hòa Bình đang quản lý vận hành lưới truyền tải quốc gia với 3 tuyến đường dây 500kV,13 tuyến đường dây 220 kV và 03 TBA 220 kV-500kV. Lưới đường dây truyền tải thuộc Truyền tải điện Hòa Bình quản lý với 325,8 km đường dây 500kV và 576,7km đường dây 220 kV với tổng số 1.360 vị trí cột.

Địa hình phần lớn đi qua khu vực đồi núi cao hiểm trở, các đường dây trải rộng trên địa bàn trên 100 xã/phường/thị trấn thuộc 8 huyện/thành phố của tỉnh Hòa Bình, huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La, huyện Chương Mỹ và Quốc Oai của TP. Hà Nội, huyện Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa. Đây là tuyến đường dây “huyết mạch” của hệ thống điện quốc gia. Bởi vậy công tác đảm bảo hành lang an toàn lưới điện luôn là nhiệm vụ được Truyền tải điện Hòa Bình đặt lên hàng đầu.

Với một nhiệm vụ nặng nề như vậy, Truyền tải điện Hòa Bình đã thực hiện những giải pháp gì để hoàn thành nhiệm vụ cũng như khuyến khích, phát huy được tinh thần trách nhiệm của mỗi người lao động? PV VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Truyền tải điện Hòa Bình, Công ty Truyền tải điện 1 về nội dung này.

PV: Thưa ông, với một địa bàn rộng, nhiều nơi địa hình phức tạp, hiểm trở, Truyền tải điện Hòa Bình đã triển khai các giải pháp như thế nào để hoàn thành các nhiệm vụ được giao?

Ông Nguyễn Khắc Dũng: Lưới điện truyền tải điện Hòa Bình nằm trong đường huyết mạch cấp điện cho Thủ đô Hà Nội và đường dây 500Kv Bắc Nam nên việc đảm bảo vận hành lưới điện an toàn hết sức quan trọng. Trong nhiều năm đơn vị đã làm tốt việc này. Nhưng để thực hiện được thì trong công tác quản lý, vận hành ngay từ đầu năm đơn vị đã lên một phương án ngăn ngừa sự cố. Ví dụ với đường dây ngay từ đầu năm đã đăng ký cắt điện để sửa chữa, khắc phục toàn bộ các khiếm khuyết thiết bị, nâng độ võng các khoảng cột có pha đất thấp, chặt cây cao trong và ngoài hành lang, sửa chữa hệ thống tiếp điện, căn chỉnh dây chống sét để làm sao đảm bảo loại trừ được hết các cú sét đánh trên đường dây.

Đối với trạm biến áp thì cho triển khai thực hiện thí nghiệm định kỳ đối với thiết bị nhất thứ, bảo dưỡng, sửa chữa các khiếm khuyết trong vận hành. Đối với hệ thống rơ le bảo vệ của trạm thì chúng tôi cho rà soát toàn bộ phiếu chỉnh định rơ le, để làm sao đảm bảo hệ thống rơ le làm việc tin cậy chọn lọc và chính xác. Rà soát toàn bộ hệ thống mạch nhị thứ. Trong vận hành dùng máy soi phát nhiệt để kiểm tra các mối nối, các vị trí tiếp xúc, nếu có hiện tượng nhiệt độ chênh cao thì sẽ cho cắt điện vào ban đêm để xử lý. Đối với lực lượng vận hành trạm phải thường xuyên theo dõi các thông số, khi có bất thường báo cáo ngay đối với các cấp điều độ A0, A1 để có điều chỉnh thời đảm bảo giữ lưới vận hành an toàn.

PV: Đối với những địa bàn trọng điểm về vi phạm hành lang an toàn lưới điện, Truyền tải điện Hòa Bình tập trung các giải pháp như thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

Ông Nguyễn Khắc Dũng: Các vi phạm về hành lang thì chủ yếu là ở khu vực Xuân Mai, Quốc Oai, chẳng hạn như dân trồng cây và hoặc cố tình trồng cây để đòi đền bù giá cao thì tập trung chỉ đạo các đội làm việc với chính quyền địa phương, mời các bên đến, nếu có cả những cơ quan, doanh nghiệp vi phạm thì mời các cơ quan chủ quản chẳng hạn như Sở Công thương hoặc các lực lượng an ninh của huyện, của thị trấn đến để cùng nhau phối hợp tuyên truyền, vận động bà con nhân dân, chặt tỉa cây. Tuy nhiên đây là vấn đề nan giải nhiều hộ dân cố tình chây ỳ, không chấp hành nên cũng phải dùng nhiều biện pháp, vừa tuyên truyền, vận động vừa dùng các chế tài pháp luật ép buộc họ phải chặt. Nhưng có những trường hợp phải lựa để bà con hiểu và chấp hành còn vi phạm.

Ngoài ra một vi phạm khác, cũng có nguy cơ gây sự cố rất cao là hiện tượng người dân thả diều, ở khu vực huyện Quốc Oai. Cái này phải tập trung nhân lực vào các buổi chiều khi bà con thả diều thì anh em phải ngăn ngừa ngay. Nếu người dân không chịu nghe thì phải mời lực lượng công an đến để phối hợp thu giữ diều. Đặc biệt, chúng tôi đến các trường học tổ chức tuyên truyền, phát quà rồi tuyên truyền giải thích nguy cơ mất an toàn khi các cháu chơi thả diều ở gần các đường dây. Thời gian gần đây hiện tượng thả diều gần đường dây được ngăn chặn khá tốt.

PV: Với những người lính truyền tải thì công việc vô cùng vất vả, đặc biệt vào những mùa nắng nóng khối lượng công việc lại càng nặng nề. Đơn vị có hình thức khuyến khích hỗ trợ như thế nào để phát huy được tinh thần trách nhiệm của mỗi người lao động?

Ông Nguyễn Khắc Dũng: Đối với lực lượng công nhân vận hành đường dây và trạm để khuyến khích được tinh thần trách nhiệm của anh em làm việc thì lãnh đạo húng tôi cũng thường xuyên phải xuống địa bàn cùng làm việc và hỗ trợ anh em thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai là giao chỉ tiêu về công việc, ví dụ hàng tháng chấm điểm thi đua đơn vị nào làm tốt sẽ được chấm điểm cao và có thưởng để khuyến khích động viên anh em. Ngoài ra, nếu bộ phận nào làm việc không tốt sẽ có biện pháp xử lý, gắn trách nhiệm cho cá nhân tập thể lãnh đạo đội, trạm, có biện pháp để răn đe kịp thời để chấn chỉnh thực hiện nghiêm kỷ luật lao động.

PV: Thưa ông, đối với lĩnh vực truyền tải điện trong nhiều năm nay được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ 4.0 - chuyển đổi số. Truyền tải điện Hòa Bình đã tham gia nhiệm vụ này như thế nào trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Khắc Dũng: Về công tác chuyển đổi số trong ngành điện, thì đơn vị thực hiện theo chỉ đạo của Công ty truyền tải điện 1, Tổng công ty. Khi có những công nghệ sẽ cử cán bộ đi học tập, tham quan tìm hiểu, tiếp cận với công nghệ, phần mềm mới trong quản lý vận hành. Ví dụ như hiện tại, đơn vị đang thực hiện phần mềm quản lý kỹ thuật Pmis, hệ thống đo đếm từ xa. Về quản lý về con người thì có phần mềm quản lý nhân sự, đào tạo có phần mềm quản lý đào tạo. Tất cả những cái đấy đều phải có cách tiếp cận dần và bồi huấn đào tạo cho anh em, những người đi học trước sẽ về hướng dẫn lại cho anh em học sau.

Trong năm 2022, Truyền tải điện Hòa Bình đã thực hiện khá tốt việc ứng dụng công nghệ 40 vào sản xuất. Ví dụ như hiện tại với đường dây đang sử dụng thiết bị bay UAV kết hợp với công nghệ Lida để kiểm tra đường dây đối với những đường dây mà người công nhân rất khó khăn đi vào tuyến để kiểm tra, tìm ra những khiếm khuyết của thiết bị. Thứ hai, tại các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn, cũng đặt các camera ứng dụng công nghệ AI để truyền dữ liệu về xử lý thông tin cho người quản lý vận hành. Còn với trạm cũng lắp thiết bị giám sát camera về ảnh nhiệt, truyền thông tin cho người xử lý. Đặc biệt sắp tới đây, sẽ sử dụng phần mềm quản lý kỹ thuật, để kiểm tra thiết bị trong vận hành, dùng thiết bị thông minh để tự kiểm tra và tự đánh giá tình trạng thiết bị có đảm bảo vận hành hay không hay phải sửa chữa hay chưa.

PV: Ông đánh giá nào về tinh thần nhập cuộc của lực lượng công nhân, người lao động trong thời buổi công nghệ 4.0?

Ông Nguyễn Khắc Dũng: Về tinh thần nhập cuộc của anh em thì ban đầu cũng gặp những khó khăn vì người lao động lúc đầu vẫn quen nề nếp làm việc cũ, họ sợ khi áp dụng công nghệ mới vào thì lực lượng lao động sẽ bị dôi dư vì có máy móc thay thế con người. Nhưng khi chúng tôi dùng các biện pháp tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu thì dần dần họ tiếp cận và hiểu rằng việc sử dụng công nghệ là để giảm bớt công sức trong quá trình sản xuất. Từ đấy các công nhân rất nhiệt tình và thực hiện khá tốt, tất cả đều rất hăng hái nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Mời các bạn nghe nội dung cuộc trao đổi tại đây