Những ngày này, Hà Nội đang bước vào thời kỳ cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Dịch bệnh phức tạp, kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống của người dân, nhất là những người lao động nghèo từ quê ra thành phố bươn chải, mưu sinh. Không ít người bị “mắc kẹt” giữa mùa dịch, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Ở phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội có 6 lao động xa quê “mắc kẹt” trong căn phòng 15m2 giữa xóm trọ xập xệ được dựng tạm bợ. Họ là những người làm phụ hồ bị mất việc, không có thu nhập, thậm chí chẳng còn gì để ăn. Chị Nguyễn Thị Lệ ngậm ngùi kể: “6 chị em chúng tôi quê ở Thanh Hóa ra Hà Nội làm phụ hồ mà dịch bệnh như thế, đang giãn cách về cũng không được, mà ở lại thì chẳng còn gì ăn, mấy chị em bảo nhau nấu mì tôm làm canh chan cơm sống qua ngày, có ai hỗ trợ gì thì ăn nấy”.

Cuộc sống ở quê vốn khó khăn chẳng đủ ăn nên nhiều người lao động tìm cách ra thành phố kiếm sống với mong muốn có thêm chút tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Thế nhưng dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người khốn đốn. Gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên vai họ. “Chúng tôi ở đây làm thời vụ, công việc tự do chủ bảo làm gì thì làm đó rồi có tiền thì chia đều, bình thường ít việc đã đành, dịch bệnh thế này chẳng làm ăn gì được, tiền thì hết, thức ăn cũng hết, suốt ngày loanh quanh khu phòng trọ, chỉ mong được nhà hảo tâm nào hỗ trợ” - anh Nguyễn Văn Hồng lo lắng khi đang phải chống chọi từng ngày với dịch bệnh.

Dẫu chăm chỉ làm việc, chi tiêu tằn tiện nhưng đời sống của những công nhân nghèo vẫn thật khó khăn trong mùa dịch. Thật khó để vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo như hiện nay.

Những người lao động nghèo cố tìm mọi cách để giúp nhau bám trụ từng ngày. Nhiều người đăng tin cầu cứu lên mạng kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng những mong được các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trợ giúp phần nào. “Anh chị cô chú giúp em với. Em bị kẹt ở Hà Nội không có việc gì làm. Mà em hết sạch tiền ăn uống, nhịn đói từ hôm qua đến giờ rồi. Em không biết phải làm sao nữa nên mong mọi người tốt bụng cứu em với, không em chết đói mất. Giúp em vài gói mỳ tôm cũng được, sau dịch em đi làm có tiền em gửi lại” là lời kêu cứu không hiếm gặp thời điểm này ở trên các trang mạng xã hội.

Anh Vàng A Lệnh quê ở Sơn La cũng rơi vào cảnh thất nghiệp, phải duy trì cuộc sống bằng những phần thực phẩm được các nhóm thiện nguyện cứu trợ mấy ngày nay. Người lớn thì ăn qua ngày, nhưng còn con nhỏ thiếu sữa khiến anh vô cùng lo lắng: “Vợ chồng tôi rau cháo qua ngày cũng được, nhưng con nhỏ không sữa thương lắm, tôi không biết làm thế nào. Tôi cũng đang đi xin các nhóm thiện nguyện không biết có được không”.

Trước đợt dịch thứ 4, công việc của anh Phạm Văn Nghiệp, quê Nam Định là làm bảo vệ tại một cửa hàng làm tóc ở phố Phạm Huy Thông, Hà Nội. Gia đình anh Nghiệp thuộc hộ cận nghèo ở xã Hải Phú, Hải Hậu, Nam Định. Vì hoàn cảnh nuôi con nhỏ, mẹ đẻ lại bị suy thận giai đoạn 3 gần chục năm nay nên hai vợ chồng anh Nghiệp dắt díu nhau ra Hà Nội làm ăn, kiếm tiền hàng tháng gửi về nuôi con và mẹ già chữa bệnh. Mất việc làm không có tiền gửi về quê, cuộc sống sinh hoạt của hai vợ chồng cũng vô cùng thiếu thốn.

“Em phải cầm cố cả đăng ký xe máy để có tiền sinh hoạt hơn tháng nay. Chỗ trọ của em là cái kho người ta để đồ, thừa ra một góc cho vợ chồng em ở chật lắm, nhưng còn hơn không có chỗ chị ạ” - anh Nghiệp buồn rầu chia sẻ. Đến giờ mọi thứ đã cạn kiệt cùng với nỗi lo chạy ăn từng bữa để sống qua mùa dịch khiến anh Nghiệp không còn khả năng để chữa bệnh cho mẹ.

Hoàn cảnh của chị Đỗ Thu Hương cũng thật khó khăn bởi chị đã nghỉ việc ở khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh từ trước mùa dịch: “Gần như 2 năm nay em không làm được gì, tiền tiết kiệm đã hết. Em phải vay lãi ngày để mua đồ ăn, trả tiền điện nước, em đi xin gạo mấy tháng nay rồi...”. Hiện chị phải nuôi 3 con nhỏ mà bản thân là lao động chính. Con nhỏ lại thường xuyên ốm đau khiến chị rất vất vả. “Giờ em đã đuối sức, không biết xoay sở sao để có miếng ăn qua ngày cho các con vì em muốn vay thêm cũng không ai cho em vay nữa..., chị Hương kể trong nỗi xót xa.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của nhiều người lao động nghèo khó khăn càng thêm khó khăn. Họ, những lao động tự do đã kiệt sức và cần lắm những hỗ trợ thiết thực và nhanh nhất.

Những nghĩa tình sẻ chia đúng lúc này sẽ phần nào giúp động viên những phận đời công nhân nghèo khó để họ giữ vững tinh thần, mạnh mẽ vượt qua dịch bệnh, tiếp tục bám trụ tại thành phố mưu sinh để nuôi gia đình./.